Về chuỗi cung ứng, tôi nghĩ Việt Nam ngày càng được coi là trung tâm khi nói đến sản xuất toàn cầu. Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng chất bán dẫn hoặc hàng tiêu dùng nhanh, đồ chơi, đồ nội thất, thực phẩm và nông nghiệp.
Cũng rất tích cực khi nhắc đến nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh, nền kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, chăm sóc sức khỏe…, tất cả các lĩnh vực này, Việt Nam đều rất hấp dẫn và nhận được sự quan tâm.
Cuối cùng, hiện nay có các công ty Việt Nam đầu tư vào Mỹ, đó là một xu hướng mới.
Vì thế Vinfast nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Nhưng cũng có rất nhiều những công ty, như Sovico, là khách hàng lớn của các công ty Mỹ. Vietjet đã mua nhiều máy bay từ Boeing, Vietnam Airlines cũng đang xem xét. Vì vậy, tôi nghĩ rằng khi nhìn vào toàn cảnh bức tranh, thương mại và đầu tư hai chiều sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển. Chúng ta đang nhìn thấy một mối quan hệ được tăng tốc đáng kể.
Nhìn vào những gì mà hai đất nước chúng ta đã trải qua, tôi nghĩ, mối quan hệ của chúng ta đã vượt qua quá khứ?
Đúng vậy! Hãy nhìn vào Vinfast, năm nay, họ đã mở một khu liên hợp sản xuất ở bang North Carolina và niêm yết trên sàn NASDAQ. Điều đó tượng trưng cho một mối quan hệ rất khác với mối quan hệ thời chiến.
Hai nước đang cùng nhau giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu, cùng nhau giải quyết việc tạo ra các cơ hội để phát triển và thịnh vượng. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 khi Mỹ cung cấp vaccine cho Việt Nam và Việt Nam cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cho Mỹ.
Nhìn về cả quá khứ và tương lai, chúng ta đang cố gắng giải quyết những thách thức lớn cùng nhau với tư cách là đối tác.
Vậy với cá nhân ông, trong sự nghiệp ngoại giao và thúc đẩy quan hệ hai nước, có người bạn Việt Nam nào ông trân trọng?
Tôi tự hào khi được làm việc mật thiết với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ông đã dạy tôi rằng bằng cách trung thực với quá khứ, đầu tiên là giải quyết chất độc màu da cam, chính là chìa khóa để tạo ra một tương lai khác cho Mỹ và Việt Nam
Năm 2016, tôi đến thăm Đà Nẵng cùng với Tướng Vịnh (thời điểm đó giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - PV), người đã đồng hành cùng ba đại sứ trong việc tìm kiếm, triển khai và cuối cùng là hoàn thành dự án tẩy sạch dioxin
Ông luôn đóng vai trò then chốt trong các vấn đề liên quan đến quan hệ an ninh Mỹ-Việt, và mỗi lần tôi và ông gặp nhau, tôi đều tin rằng ông sẽ nêu vấn đề tẩy độc dioxin - đầu tiên là ở Đà Nẵng và sau đó là Biên Hòa.
Năm 2016, khi tôi và Tướng Vịnh đến sân bay Đà Nẵng, báo chí chụp hàng chục bức ảnh khi tôi và ông thọc tay vào lớp đất mới được làm sạch.
Bức ảnh này đã được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh, như một lời nhắc nhở rằng việc khắc phục những di sản của chiến tranh là có thể. Tôi biết rằng, cùng nhau, người Việt và người Mỹ đã làm cho vùng đất này trở nên an toàn. Nếu không, với tư cách là cha của hai đứa con nhỏ, tôi đã không chạm vào đất còn tồn dư dioxin.
Tháng 10/2017, tôi lại đi cùng Tướng Vịnh, lần này đến thăm sân bay Biên Hòa, căn cứ không quân cũ của Mỹ và là điểm nóng dioxin lớn nhất cả nước.
Tôi đã thúc đẩy cam kết làm sạch dioxin như một kết quả trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11 trong cùng năm đó của Tổng thống Donald Trump. Hai tháng trước chuyến thăm, tôi viết trong một bức điện: "Việc giải quyết dioxin như một di sản chiến tranh là điều cần thiết cho tương lai của mối quan hệ quốc phòng của chúng ta với Việt Nam".
Khi tôi đến Biên Hòa, chúng tôi vẫn đang bế tắc về kinh phí. Ông Vịnh đề xuất việc Việt Nam và Mỹ ký bản ghi nhận ý định về việc xử lý dioxin tại Biên Hòa sẽ mang lại sự hỗ trợ tài chính lớn hơn từ các đối tác quốc tế và Chính phủ Việt Nam. Ông Vịnh đã xem xét chi tiết các kế hoạch khắc phục khác nhau, nhấn mạnh rằng việc thực hiện sẽ chỉ diễn ra sau khi Mỹ đưa ra cam kết cụ thể.
Ông Vịnh và tôi đã xem xét bản đồ chi tiết về các khu vực xung quanh sân bay có mức độ ô nhiễm dioxin cao nhất, và tôi đã báo cáo với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng rằng chất dioxin đã rò rỉ và có khả năng khiến 120.000 người sống gần đó bị phơi nhiễm.
Hai năm sau, cuối cùng chúng tôi cũng bắt đầu công việc dọn dẹp sân bay Biên Hòa - công việc vất vả và tốn kém. Điều đó sẽ không xảy ra nếu không có sự quyết tâm của Tướng Nguyễn Chí Vịnh.