Đồng thời, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng xây dựng các phương án đề nghị UBND tỉnh trích ngân sách từ quỹ chi sự nghiệp giáo dục để hỗ trợ các cơ sở giáo dục công lập phần chênh lệch tăng thêm học phí. Vì, số tiền đó đã được chi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ...để nhà trường hoàn trả cho phụ huynh học sinh...
Sau khi nhận được tờ trình của Sở GD&ĐT, ngày 16/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, về việc: Đề nghị “Sửa đổi mức thu học phí năm học 2022 - 2023 quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 và hỗ trợ phần chênh lệch tăng thêm mức thu học phí cho các cơ sở GDMN, GDPT công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên”.
Trong tờ trình này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng xây dựng các phương án hỗ trợ phần chênh lệch cho các nhà trường để hoàn trả học phí đã thu tăng trong học kỳ 1 vừa qua cho phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng xây dựng mức thu học phí đối với các cơ sở GDMN, GDPT công lập trên địa bàn tỉnh chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Đề nghị giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương.
Chăm sóc trẻ tại Trường Mầm non Thành Sơn (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng. |
Cụ thể, mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với khu vực thành thị: Mầm non: Không bán trú 150.000 đ/trẻ/tháng; Có bán trú 195.000 đ/trẻ/tháng; Trung học cơ sở 120.000 đ/hs/tháng; Trung học phổ thông 155.000 đ/hs/tháng.
Đối với khu vực nông thôn: Mầm non không bán trú: 60.000 đ/trẻ/tháng; Có bán trú 80.000 đ/trẻ/tháng. Trung học cơ sở 50.000đ/hs/tháng; Trung học phổ thông 65.000đ /hs/tháng.
Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Mầm non không bán trú: 30.000 đ/trẻ/tháng; Có bán trú 40.000đ/trẻ/tháng; Trung học cơ sở 25.000đ/hs/tháng; Trung học phổ thông 30.000đ/hs/tháng.
Cũng theo tờ trình, đối tượng hỗ trợ và trình tự thực hiện, như sau: Mức hỗ trợ cho các cơ sở GDMN, GDPT, GDTX công lập mức hỗ trợ 60% phần chênh lệch mức thu học phí của học kỳ I năm học 2022 - 2023 (tháng 9, 10, 11, 12) của Nghị quyết số 287/2022 của HĐND tỉnh, do các cơ sở giáo dục đã thu và quyết toán tài chính năm 2022. Dự kiến số tiền hỗ trợ là: 66.938.208.000 đồng.
Như vậy, các cơ sở giáo dục sử dụng mức 60% chênh lệch được hỗ trợ và 40% mức chênh lệch đang giữ lại đơn vị thực hiện cải cách tiền lương, để hoàn trả cho các đối tượng đã thu.
Cô và trò Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát trong giờ học (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng. |
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng xây dựng phương án về trình tự thực hiện. Cụ thể: “Đối với các cơ sở GDMN,GDPT, GDTX trực thuộc huyện, thị xã, thành phố thì lập dự toán kinh phí phần chênh lệch tăng thêm đề nghị cấp bù. Sau đó, gửi về Phòng GD&ĐT tạo tổng hợp, thẩm định và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định hỗ trợ, cấp kinh phí cho các cơ sở giáo dục để thực hiện việc chi trả, quyết toán kinh phí theo quy định Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn.
Đối với các cơ sở GDPT, GDTX trực thuộc Sở GD&ĐT, thì lập dự toán kinh phí phần chênh lệch tăng thêm đề nghị cấp bù. Sau đó, gửi Sở GD&ĐT tổng hợp, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định hỗ trợ, cấp kinh phí cho các cơ sở giáo dục, để thực hiện việc chi trả, quyết toán kinh phí theo quy định Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn.
Việc hoàn trả lại cho các đối tượng đã thu phần chênh lệch giữa mức thu học phí năm học 2022 – 2023, sẽ thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh”, tờ trình nêu.
“Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương khác trên toàn quốc, việc thực hiện tăng học phí, giữ nguyên học phí, cấp bù đã thu tăng thêm trong học kỳ I, là theo Nghị định của Chính phủ và phương án giải quyết như vậy là tối ưu”, ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.