Lựa chọn nội dung tuyên truyền, giáo dục nhiều khi xuất phát từ chủ quan của nhà trường và công tác phối hợp các ngành, đoàn thể liên quan, chưa thật sự xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu, mong muốn của học sinh.
Nội dung giáo dục pháp luật chưa được cô đọng, hình thức triển khai còn khô cứng, dễ gây nhàm chán. Bản thân người được phân công tổ chức thực hiện giáo dục pháp luật cũng không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Các hoạt động, hội thi bổ trợ cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường thường chỉ thu hút một bộ phận học sinh tích cực tham gia.
Với đặc thù huyện miền núi khó khăn của Kỳ Sơn, thầy Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT chia sẻ, vì địa hình phức tạp nên công tác tuyên truyền của một số trường chưa được thường xuyên. Trình độ dân trí thấp nên vẫn còn hiện tượng bị kẻ xấu lợi dụng để nhờ vận chuyển hàng cấm. Đặc thù đồng bào dân tộc nên vẫn còn hiện tượng tảo hôn xảy ra với học sinh THCS…
Cũng thuộc địa bàn vùng khó, khó khăn được ông Trịnh Ngọc Hải chia sẻ với huyện Than Uyên là tài liệu tuyên truyền còn ít, chưa phong phú. Một số tuyên truyền viên kỹ năng chưa tốt. Phối hợp với các đoàn thể trong trường chưa được thường xuyên. Hình thức tổ chức hoạt động, phương pháp tuyên truyền chưa phong phú, linh hoạt, thu hút.
Công tác tuyên truyền đôi khi chưa thường xuyên do nhiều tuyên truyền viên làm kiêm nhiệm, ít thời gian nghiên cứu sâu tài liệu, cũng như thời gian cho công tác tuyên truyền. Một số trường hàng năm có sự thay đổi cán bộ phụ trách công tác này, ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền. Số lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật chưa nhiều.
Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thuỵ Trường chia sẻ, một số cán bộ, giáo viên, phụ huynh còn nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của giáo dục pháp luật với học sinh; chủ quan, lơ là, tập trung vào dạy kiến thức mà chưa chú trọng giáo dục pháp luật, rèn kỹ năng sống cho các em.
Việc bố trí cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống chưa bảo đảm, còn phân tán; chưa có hợp đồng chuyên trách cho giáo viên làm tư vấn tâm lý tại trường. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nội dung, thông tin trên các trang mạng chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc bảo vệ học sinh “an toàn trên không gian mạng” đang là thách thức lớn.
Ngoại khóa phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục tại Trường THCS Thụy Trường. Ảnh: NTCC |
Trước khó khăn đã được nhận diện, để nâng cao nhận thức pháp luật từ trường học, cô Nguyễn Thị Hương cho rằng, trước hết cán bộ, giáo viên phải nhận thức giáo dục pháp luật là việc làm thường xuyên, lồng ghép linh hoạt vào tất cả các hoạt động giáo dục. Đồng thời đổi mới hình thức giáo dục pháp luật một cách sáng tạo, sinh động, hấp dẫn; khai thác hiệu quả “Mô hình tự quản”, câu lạc bộ “Tư vấn tâm lí học đường”… trong nhà trường và liên hệ chặt chẽ với phụ huynh trong giáo dục học sinh.
Ông Phạm Viết Phúc cũng cho rằng, nếu công tác tuyên truyền thực hiện thường xuyên sẽ làm cho học sinh quan tâm nhiều hơn, nắm bắt được những việc nên làm và không nên làm để phân tích cho mọi người trong gia đình thực hiện tốt hơn. Đối với Kỳ Sơn, các trường học đa số có học sinh ở nội trú, vì vậy cho học sinh xem phim ảnh, phóng sự liên quan đến tuyên truyền pháp luật sẽ giúp các em hứng thú tiếp thu hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm của huyện Than Uyên, ông Trịnh Ngọc Hải cho biết: Phòng GD&ĐT, các trường học củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nhân lực trong công tác này. Tổ chức rà soát, thống kê, kiện toàn đội ngũ kiêm nhiệm, đáp ứng được nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của các tổ chức đoàn thể tại cơ quan và trường học. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các trường nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn…
Ông Trần Văn Hân thì nhấn mạnh cần có kế hoạch giáo dục pháp luật cụ thể, chi tiết trong tổ chức thực hiện gắn với nhiệm vụ năm học của từng cá nhân. Phát huy sức mạnh của tập thể nhà trường, đảm bảo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên, liên tục gắn với từng hoạt động giáo dục nhà trường trong suốt năm học.
Tạo điều kiện để giáo viên, nhân viên được tiếp cận các lớp bồi dưỡng về lựa chọn nội dung, phương pháp, kỹ năng tổ chức giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tạo điều kiện đa dạng nguồn tài liệu, giúp giáo viên thuận lợi cập nhật kiến thức pháp luật mới. Giúp học sinh có ý thức tiếp thu kiến thức pháp luật là quyền lợi thiết thực, từ đó các em yêu thích, hào hứng, tích cực tham gia tiếp nhận với nội dung pháp luật được tuyên truyền, phổ biến trong nhà trường.
Để việc tuyên truyền gần gũi, thu hút phụ huynh, học sinh quan tâm, Đội phát thanh Măng non Trường THCS Thụy Trường thường xuyên tuyên truyền các nội dung về pháp luật trên hệ thống phát thanh của xã. Giáo viên chủ nhiệm gửi các clip có nội dung tuyên truyền pháp luật vào từng nhóm lớp… Trường còn thành lập “Mô hình tự quản” hoạt động hiệu quả, kết hợp xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói”, thành lập Câu lạc bộ “Tư vấn học đường”… nhằm phát hiện kịp thời sự việc để giải quyết.
Các trường học trên địa bàn huyện Than Uyên đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền: Thông qua phát hành tài liệu; các hội thi, cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật, luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng; qua tủ sách pháp luật ở các trường; qua giờ học Giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giờ sinh hoạt lớp, lồng ghép, tích hợp giáo dục pháp luật cho học sinh,... - Ông Trịnh Ngọc Hải (Trưởng phòng GD&ĐT Than Uyên, Lai Châu)