Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục gặp phải một số khó khăn về đội ngũ. Số lượng giáo viên giảm nhưng chất lượng giáo viên thì yêu cầu phải nâng lên. Tùy theo thực tế của từng năm học, một giáo viên có thể phải dạy học nhiều môn hoặc dạy trái môn và phải dạy theo nhu cầu của học sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Ông Lê Trung Chinh cho biết, thành phố Đà Nẵng đã bố trí dự phòng ngân sách để hợp đồng giáo viên đảm bảo số lượng theo yêu cầu của quá trình triển khai chương trình – sách giáo khoa mới. “Có thể năm nay, thầy cô này sẽ ký hợp đồng dạy học với trường A nhưng năm tới, trường A không có nhu cầu thì phải chuyển sang hợp đồng với một trường khác. Nhưng tâm lý của người lao động thì vẫn muốn ổn định nên có thể sẽ rất khó để hợp đồng đủ giáo viên theo nhu cầu” – ông Chinh nêu tình huống.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện tại, vẫn chưa tiến hành in ấn, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 trên địa bàn thành phố. UBND TP vừa nhận được hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức in ấn, phát hành bộ tài liệu. Trong thời gian chờ in ấn, Sở GD đã hướng dẫn các trường sử dụng file PDF để giảng dạy.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: PV). |
Về tài liệu giáo dục địa phương, ông Dương Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiến nghị Bộ GD&ĐT trao quyền cho địa phương trong thẩm định, in ấn rút ngắn thời gian, có sự chủ động hơn. Đồng ý với đề xuất này, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên ban hành chương trình khung, trao quyền cho các tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, ông Vân đề nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần rà soát một số đề án liên quan đến giáo dục như Giáo dục STEM… được lồng ghép thế nào vào chương trình GDPT 2018, có đảm bảo hiệu quả hay không?.
Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận những nỗ lực của Đà Nẵng trong việc triển khai Chương trình GDPT và sách giáo khoa mới.
Ngoài yêu cầu Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT cùng phối hợp báo cáo Bộ Nội vụ để xin thêm chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần rà soát để chủ động điều tiết đội ngũ giáo viên giữa các trường, giữa các địa phương với nhau để khắc phục tình trạng thừa – thiếu cục bộ theo từng năm học. Nếu chỉ bó hẹp đội ngũ cứng trong từng trường thì sẽ rất khó vì học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn mỗi năm mỗi khác, nên phải xây dựng cơ chế để có sự liên kết giữa các trường. Ngành GD&ĐT cũng cần đào tạo lại giáo viên đơn môn, có thể dưới hình thức các chứng chỉ để giáo viên đáp ứng được yêu cầu dạy liên môn.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP lưu ý về những khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học; vướng mắc trong việc tổ chức dạy các môn học Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xúc tiến và tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào giáo dục, góp phần giảm gánh nặng về biên chế giáo viên cho các trường công lập.