Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, quan hệ với Nga tiếp tục được củng cố và phát triển. Ảnh: cumhuriyet
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng trước hàng trăm nghìn người ủng hộ, điện mừng của Tổng thống Putin đã được ông Erdogan nhắc tới hết sức sâu đậm và cam kết sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với Nga.
Ông nói: "Trong điện chúc mừng tôi, ông Putin đã nhắc lại đề xuất xây dựng một 'Trung tâm khí đốt' ở Thrace và chúng tôi sẽ thực hiện dự án này với Nga. Hoạt động mua bán khí đốt thông qua 'Trung tâm khí đốt' này do Nga đề xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động năm 2024".
Ngoài ra, trong ngành công nghiệp khí đốt, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Nga xây dựng đường ống dẫn khí đốt 'Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ'. Nhiều nước châu Âu quan tâm đến việc mua khí đốt thông qua trung tâm và đường ống này.
Trong tương lai Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một trung tâm phân phối lại khí đốt của Nga cho châu Âu và châu Á, đem lại nguồn thu nhập tài chính quan trọng và nâng cao vị thế chính trị của Ankara.
Trong bài phát biểu của mình, ông Erdogan đã gọi trung tâm năng lượng Thrace và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu là những dự án quan trọng nhất đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, vì nó giúp giải quyết các vấn đề năng lượng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Akkuyu với sự giúp đỡ của Nga có 4 tổ máy tổng công suất 4.800 Megawatts và vốn đầu tư 20 tỷ USD đang được triển khai. Người Nga chiếm hơn 10% lượng khách du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ, là nguồn thu quan trọng đối với ngành du lịch chiếm khoảng 10% GDP của Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ đẩy mạnh các hoạt động của mình trong ngành công nghiệp hạt nhân. Rosatom của Nga sẽ không chỉ tiếp tục dự án nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở tỉnh Mersin mà còn sẽ tham gia vào việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân khác vì Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch cung cấp ít nhất 10% nhu cầu điện bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2030.
Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên lớn thứ hai trong NATO từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và năm 2022 sau khi bùng nổ cuộc xung đột Ukraine, đã mua gần gấp đôi lượng dầu của Nga. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước lên tới 62 tỷ USD.
Công ty lớn TRAO của Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia tích cực vào việc phát triển một số mỏ dầu ở Nga.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng một vai trò hậu cần quan trọng đối với Moscow, cho phép các tàu chở hàng của Nga đi qua vùng biển của nước này để đến Địa Trung Hải.
Ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế nói, thắng lợi của R. Erdogan trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua là lý do để tin rằng quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và phương Tây tiếp tục phức tạp
Là thành viên NATO nhưng Mỹ và phương Tây không cung cấp các vũ khí hiện đại cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: lemonde
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu vẫn hết sức phức tạp. Trong diễn văn của mình, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh việc phương Tây sử dụng các công cụ chính trị và truyền thông để hỗ trợ phe đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ và những bài viết trên trang nhất của các tờ báo một số nước phương Tây đã chống lại ông và xúc phạm ông trong thời gian bầu cử sẽ không được bỏ qua.
Việc Mỹ và châu Âu ủng hộ các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố là một trong những vấn đề bất đồng gai góc nhất giữa hai phía. Đặc biệt, năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Mỹ và châu Âu đứng sau vụ đảo chính hụt do phong trào FETO của giáo sĩ Fethullah Gulen tiến hành nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan.
Quan hệ giữa Ankara và Washington căng thẳng còn do Mỹ ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) gặp nhiều trắc trở. Kể từ năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ từ bỏ nguyện vọng gia nhập EU. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đến nay vẫn bế tắc do bất đồng giữa hai bên trong nhiều vấn đề.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, nhưng Mỹ và phương Tây không cung cấp các vũ khí hiện đại cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có máy bay F-35, buộc Ankara phải quay sang mua vũ khí của Nga, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Trả đũa cho việc này, Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo luật chống lại các kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa chấp nhận tư cách thành viên của Thụy Điển. Ankara cho rằng do nước này vẫn bảo vệ các phần tử khủng bố người Kurd và từ chối dẫn độ những nghi phạm theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hướng Đông, nhưng cũng sẽ duy trì quan hệ với phương Tây, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng kinh tế, phục vụ lợi ích quốc gia của mình.
Sabri Sayari, nhà khoa học chính trị và là giáo sư trường Đại học Bahcesehir (BAU) Istanbul, cho rằng, "Tổng thống Erdogan sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại trước đây, phấn đấu xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ thành một cường quốc khu vực thực sự, phát triển hơn nữa mối quan hệ cực kỳ thân thiết với Nga, đồng thời nâng cao tầm quan trọng chiến lược đối với phương Tây".