Thời sự

Đại biểu QH đề xuất chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

27/05/2024 13:19

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7

Sáng 27-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội-BHXH (sửa đổi).

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng khi nhà nước thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ trước và sau ngày 1-7-2024.

Chính phủ đề xuất bổ sung khái niệm về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở và bổ sung quy định ở các điều liên quan, tuy nhiên nội dung này chưa được đánh giá tác động đầy đủ, nhất là giai đoạn sau khi cải cách tiền lương. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ cũng chưa có cơ sở để điều chỉnh mức đóng cho người lao động.

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị xem xét thông qua dự thảo Luật BHXH sửa đổi tại kỳ họp 8 vào cuối năm nay để có thời gian đánh giá sự ổn định, tác động thực tế của cải cách tiền lương với chính sách BHXH cũng như luật liên quan.

Nữ đại biểu cho rằng Chính phủ, Quốc hội cũng có thêm thời gian để nghiên cứu, đánh giá tính phù hợp giữa Luật BHXH sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sắp trình Quốc hội cho ý kiến. Luật BHXH mới chỉ nên ban hành khi đảm bảo an sinh xã hội của người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở đóng-hưởng, tạo sự an tâm cho người dân và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn cho quỹ BHXH trong dài hạn cũng như khả năng ngân sách qua từng thời kỳ.

Liên quan tiền lương đóng BHXH sau khi mức lương cơ sở đã bị bãi bỏ khi tiến hành cải cách tiền lương từ 1-7, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết nội dung này chưa được dự liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 6 cuối năm 2023.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, qua nhiều lần đề nghị, ngày 15-5 vừa qua, Chính phủ mới đề xuất thay "mức lương cơ sở" bằng "mức tham chiếu" trong dự thảo luật. Theo đó, mức tham chiếu tính BHXH được tính bằng 1.800.000 đồng từ ngày 1-7-2024 thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện BHXH.

Tuy nhiên, ngày 25-5, Chính phủ đã có báo cáo số 286 gửi Quốc hội đề xuất các nội dung liên quan trong dự thảo luật BHXH sửa đổi do tác động của chính sách tiền lương mới.

Về việc sử dụng "mức tham chiếu" thay thế cho "mức lương cơ sở", Chính phủ cho biết để bảo đảm tương quan, với dự kiến phương án cải cách tiền lương mà Ban Chỉ đạo đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền, đề nghị thể hiện khái niệm "mức tham chiếu" tại dự thảo luật. Cụ thể, Chính phủ đề xuất mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong luật này.

Mức tham chiếu được tính bằng mức lương cơ sở, khi bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại khoản 1 điều 89 luật BHXH năm 2014, Chính phủ đề nghị giữ như nội dung đã trình tại kỳ họp 6 vào tháng 10-2023.

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Báo cáo số 286 của Chính phủ, với phương án cải cách tiền lương mà Chính phủ đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền thì cơ bản chưa cần thiết phải sửa đổi toàn diện ngay Điều 62 (về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần) và Điều 63 (về điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH) của luật hiện hành như đề xuất trước đó của Chính phủ. Chính phủ cũng đề nghị giữ các quy định này như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp 6 tháng 10-2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, cũng trong ngày 25-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát hành báo cáo về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý quy định của dự thảo luật BHXH sửa đổi về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần (điều 76) và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc (điều 77) trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án Chính phủ trình nhưng cho rằng các quy định này liên quan tới hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương, đồng thời cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.

Luật BHXH sửa đổi được tiến hành từ kỳ họp 6 vào tháng 10-2023, trong bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương. Theo dự kiến, luật này sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/dai-bieu-qh-de-xuat-chua-thong-qua-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-c46a1571314.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/dai-bieu-qh-de-xuat-chua-thong-qua-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-c46a1571314.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu QH đề xuất chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi