Ngoài ra, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương.
Trước đó vào ngày 20-10, trình bày báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại phiên khai mạc họp thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2023, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023. Cùng với đó, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) từ 1-7-2023.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều, chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1,49 triệu đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước.
Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp.