Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề lớn với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Anh Tú- Công Chương | 26/04/2022, 17:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 26/4, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã có buổi thăm và làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại buổi làm việc với Ban giám đốc ĐHQG TP.HCM Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại buổi làm việc với Ban giám đốc ĐHQG TP.HCM

Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhiều vấn đề, từ quản trị và tổ chức, công tác đầu tư cơ sở vật chất, nhân sự cho đến chủ trương thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe.

Đề xuất về quản trị và tổ chức

Trong các kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ĐHQG TP.HCM mong muốn Bộ ủng hộ chủ trương thành lập 2 trường đại học thành viên của ĐHQG TP.HCM gồm: Trường ĐH Khoa học Sức khỏe trên cơ sở phát triển từ Khoa Y ĐHQG TP.HCM; Trường ĐH Công nghệ Môi trường trên cơ sở phát triển từ Viện Môi trường và Tài nguyên.

Đề nghị Bộ GD&ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới về Đại học quốc gia và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo hướng: (1) ĐHQG được xây dựng và ban hành quy chế đào tạo riêng, theo các chuẩn mực quốc tế; (2) ĐHQG được phê duyệt phương án tự chủ tài chính của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và báo cáo Bộ Tài chính.

PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM trình bày nhiều kiến nghị

Đề xuất Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương và đầu tư nâng cấp Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐHQG TP.HCM thành Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục TP.HCM, hướng đến tầm khu vực và quốc tế.

Đề xuất cập nhật nội dung quy chế thi học sinh giỏi quốc gia theo hướng quy mô đội tuyển học sinh giỏi các môn của Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM là 10 học sinh/môn (Bộ GD&ĐT đã có văn bản đồng ý chủ trương này kể từ kỳ thi năm 2011, 2012 và 2014).

Đề xuất về tài chính, thi đua khen thưởng

ĐHQG TP.HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét trình Chính phủ sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81), cho phép các cơ sở giáo dục đại học thành viên và trực thuộc ĐHQG TP.HCM được xác định mức thu học phí theo Đề án chương trình chất lượng cao đã được phê duyệt trước khi Nghị định 81 được ban hành;

Đối với chương trình đào tạo phê duyệt sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, được xác định mức thu trong thời gian 2 năm tính từ thời điểm phê duyệt để thực hiện công tác kiểm định chất lượng. Có hướng dẫn chi tiết về việc quy định đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương.

ĐHQG TP.HCM mong muốn được thực hiện cơ chế thí điểm triển khai mở ngành mới, chương trình đào tạo do Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ và được tự xác định học phí của chương trình đào tạo.

ĐHQG TP.HCM cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục ủy quyền để 2 ĐHQG được quyền công nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp ĐHQG, bao gồm: Tập thể lao động xuất sắc; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ĐHQG; Bằng khen của Giám đốc. Từ sự ủy quyền nêu trên, Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ĐHQG; Bằng khen của Giám đốc ĐHQG được tính tương đương với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Bộ khi tính thành tích tích lũy cho các tập thể, cá nhân thuộc ĐHQG.

Đặc biệt, đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương khẩn trương hỗ trợ ĐHQG TP.HCM trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ĐHQG TP.HCM trở thành hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, là điểm kết nối giữa hai thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).

Ông Phan Thanh Bình- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu

Đề xuất về công tác đào tạo

ĐHQG TP.HCM mong muốn Bộ GD&ĐT đồng ý để ĐHQG TP.HCM chủ trì, phối hợp với một số trường đại học trọng điểm thực hiện Đề án đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số. Mục tiêu nhằm tăng gấp đôi số lượng kỹ sư CNTT trong 5 năm tới (từ 4.300 lên 10.000) nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, dựa trên 3 đột phá:

Một là đột phá về chính sách, cụ thể là quy chế qui định về tuyển sinh, về chỉ tiêu, về các điều kiện đảm bảo chất lượng;

Hai là đột phá vể chương trình đào tạo gồm: công nhận tín chỉ phổ thông – thu hút học sinh giỏi; công nhận các tín chỉ do doanh nghiệp đồng đào tạo – tăng kỹ năng thực tế; công nhận các tín chỉ đào tạo trực tuyến của các trường đại học (tăng cường khả năng tự học của sinh viên, tăng cường hợp tác chia sẻ giữa các trường đại học).

Ba là đột phá về hạ tầng số, trong đó bao gồm trung tâm dữ liệu và học liệu số, hệ thống LMS, MOOC… để khai khác tối đa ứng dụng CĐS trong việc nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo.

Đặc biệt, ĐHQG TP.HCM đề xuất Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương và đầu tư phát triển kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM trở thành kỳ thi quốc gia, điểm thi là căn cứ xét tuyển đầu vào cho các trường đại học khu vực từ các tỉnh miền trung từ Huế trở vào và các tỉnh phía Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề lớn với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT