Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Tiếp cận từ lịch sử quốc gia và toàn cầu, là chủ đề hội thảo chiều 25/4.
Hội thảo do Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phối hợp cùng Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Bộ Nội vụ) tổ chức.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc như một trong những mốc son chói lọi, khẳng định ý chí độc lập thống nhất. Sự kiện đi vào lịch sử thế giới như chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, là sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Đối với dân tộc Việt Nam, chiến thắng mùa xuân năm 1975 hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do và đi lên xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh.
Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới về cách thức một dân tộc với ý chí phi thường tự định đoạt số phận của mình trong khung cảnh của các mối quan hệ phức tạp và có tính chi phối mạnh mẽ.
Đối với thế giới, chiến thắng của nhân dân Việt Nam đã góp phần tái định hình lại trật tự quốc tế ở thập kỷ cuối cùng của cuộc Chiến tranh lạnh và lịch sử nhân loại thế kỷ XX.
Từ góc độ nghiên cứu giáo dục và phục vụ giảng dạy về Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa xuân năm 1975, TS Vũ Đức Liêm - Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng, hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo có giá trị, đề xuất những cách thức tiếp cận mới linh hoạt, sáng tạo nhằm củng cố tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của các thế hệ trẻ; đề xuất sử dụng nhiều kỹ thuật dạy học, áp dụng công nghệ, kỹ thuật, khai thác nhiều hồ sơ, tài liệu lưu trữ, tranh ảnh, bản đồ,…
Qua đó, nhằm phát huy tính tích cực, năng lực sáng tạo của người học, từ đó nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông, đặc biệt là quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng cách đây vừa tròn nửa thế kỷ. GS.TSKH Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, đất nước đã trải qua bao đổi thay, nhưng những giá trị lịch sử thì ngày càng tăng lên theo năm tháng.
Nghiên cứu nghiêm túc lịch sử không chỉ để hiểu hiện tại mà có thể lý giải hiện tại và xa hơn có thể còn dự báo được tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà trong dịp hội thảo kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1989 Đại tướng Văn Tiến Dũng từng nói, ông rất thích lối đánh của Quang Trung và đã áp dụng lối đánh đó trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Triển lãm "Xếp bút nghiên ra trận".
Chiến dịch giải phóng hoàn toàn Miền Nam tiến tới thống nhất đất nước là một kỳ tích lịch sử và là đỉnh cao của nghệ thuật Việt Nam, dường như có mang bóng dáng những chiến công hiển hách của cha ông trong các sự nghiệp chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc những trang vàng chói lọi. Đó là chiến công hiển hách nhất trong thời đại Hồ Chí Minh và cùng là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam được xây dựng, vun bồi và trao truyền qua bao thế hệ.
Hội thảo đã nhận được 91 bài tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà nghiên cứu giáo dục, giảng viên đại học và giáo viên các cấp học... cùng nhau chia sẻ thành quả nghiên cứu, soi rọi nhiều vấn đề của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Các tham luận gửi tới hội thảo đã làm rõ sự kế thừa và phát triển của nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, truyền thống kháng chiến kiến quốc, nghệ thuật đấu tranh kết hợp chính trị-ngoại giao trong lịch sử; từ đó phản ánh ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc, về vai trò của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa xuân năm 1975 trong việc định hình bản sắc, tính thống nhất và củng cố các giá trị truyền thống dân tộc.
Tại hội thảo, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã tổ chức triển lãm "Xếp bút nghiên ra trận". Triển lãm giới thiệu khoảng 150 hồ sơ, kỷ vật gắn liền với những người thầy, người cô và những lớp sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tình nguyện lên đường đi chiến đấu. Các hồ sơ, kỷ vật này nằm trong khối hồ sơ, kỷ vật đi B mà trung tâm đang lưu giữ.