Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện các sở, ngành và cơ quan quản lý của các địa phương đã thảo luận, trao đổi về những thiệt thòi của thanh thiếu niên khuyết tật khi không được quan tâm, chăm sóc và học tập đầy đủ. Kiến nghị các giải pháp giúp đỡ, chăm sóc, giáo dục để các em hoà nhập và đóng góp cho cộng đồng một cách tích cực.
Theo báo cáo của bà Phạm Thị Tuyết – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, thực tế đã xảy ra tình trạng học sinh khuyết tật có quan hệ tình dục ở lứa tuổi nhỏ, do các em thiếu hiểu biết; cũng đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em gái khuyết tật bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai… gây ra nhiều hệ luỵ đối với tâm lý và quá trình phát triển của các em cũng như bức xúc trong xã hội.
Hầu hết các đại biểu đều đánh giá, Dự án này đầy tính nhân văn, vì đối tượng hưởng lợi là những thanh niên khuyết tật, các em thiệt thòi và rất dễ bị tổn thương.
Các đại biểu cũng mong muốn, Dự án sẽ có nhiều đánh giá sát thực tiễn, đề ra nhiều chương trình dài hơi để hỗ trợ, giúp các em khuyết tật có điều kiện thuận lợi nhất hoà nhập với cộng đồng.
Còn theo báo cáo lập kế hoạch, quy mô dự kiến của Dự án sẽ có 200 thanh thiếu niên khuyết tật ở độ tuổi từ 12-25 của tỉnh Đắk Lắk được thụ hưởng trong thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2024. Có 4 địa phương sẽ triển khai, gồm các huyện: Buôn Đôn, Krông Pắc, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột.
Mục tiêu của dự án, tập huấn về sức khoẻ sinh sản (SKSS) cho các thanh thiếu niên khuyết tật để biết cách đảm bảo an toàn cho bản thân; tập huấn cho cha mẹ, người chăm sóc thanh thiếu niên khuyết tật, giáo viên, cán bộ y tế kiến thức, kỹ năng về SKSS nhằm hỗ trợ các thanh thiếu niên khuyết tật trong quá trình tiếp cận dịch vụ y tế và đưa ra được các quyết định liên quan đến SKSS vị thành niên.