Giáo dục

Đảm bảo tiện ích học thuật bằng phát triển khu đại học chuyên biệt

12/07/2025 14:23

Phát triển các khu đại học chuyên biệt giúp đảm bảo tiện ích học thuật và sinh hoạt cho sinh viên, đồng thời giảm tải áp lực đô thị.

Đây là một trong những góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) của PGS.TS.Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nhấn mạnh giáo dục đại học là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, PGS.TS.Trần Thành Nam cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học ngày càng rõ rệt.

Luật Giáo dục Đại học hiện hành (2012, sửa đổi 2018) đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành cũng thừa nhận mô hình tự chủ đại học đang “lỗi thời” và “cản trở hội nhập quốc tế”. Vì vậy, Dự thảo Luật sửa đổi đang được trình Quốc hội nhằm khắc phục hạn chế và tạo đột phá cho giáo dục đại học.

Góp ý dự thảo Luật về nội dung cơ sở vật chất, PGS.TS.Trần Thành Nam cho biết: Hiện nay, nhiều trường đại học, đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vẫn bố trí rải rác trong nội thành với diện tích hẹp, thiếu đồng bộ và hiện đại. Dự thảo Luật nêu ưu tiên “hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị”, nhưng chưa có đề án hoặc giải pháp cụ thể hóa.

Trong khi đó, bài học ở nhiều nước cho thấy phát triển các khu đại học chuyên biệt (university town) giúp đảm bảo tiện ích học thuật và sinh hoạt cho sinh viên, đồng thời giảm tải áp lực đô thị.

Việt Nam đã và đang khởi công một vài khu đại học mới (như Khu vực Đại học quốc gia Hà Nội-Hòa Lạc, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh-Thủ Đức), nhưng vẫn thiếu tầm nhìn tổng thể cho hệ thống.

Nếu tiếp tục duy trì mô hình cũ, cơ sở vật chất sẽ càng manh mún, khiến khó nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.

Để khắc phục, PGS.TS.Trần Thành Nam cho rằng, Nhà nước cần đầu tư xây dựng các khu đô thị đại học kiểu mẫu (tích hợp ký túc xá, thư viện, trung tâm nghiên cứu…), nằm bên ngoài vành đai 3–4 của các thành phố lớn. Hình thức đầu tư “chìa khóa trao tay” với tư vấn, thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp có ngay cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời, có lộ trình dời các trường ra xa trung tâm, trừ những cơ sở mang giá trị lịch sử của giáo dục đại học. Điều này không chỉ giải tỏa quỹ đất nội đô mà còn tạo điều kiện cho các trường phát triển khuôn viên lớn, bền vững.

Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ (bồi thường, ưu đãi thuế, tín dụng) để khuyến khích các trường dời về địa điểm mới. Việc này sẽ giải phóng quỹ đất nội đô, giảm thiểu chi phí và giúp các trường phát triển quy mô hạ tầng bài bản hơn trong dài hạn.

PGS.TS.Trần Thành Nam cũng kiến nghị đồng bộ hóa và hiện đại hóa hạ tầng. Theo đó, cần tăng cường kiểm định và xếp hạng cơ sở vật chất trường học; điều tiết ngân sách để hỗ trợ nâng cấp trang thiết bị cho các trường khó khăn. Quá trình hiện đại hóa cần đi đôi với quy chuẩn hóa an toàn, bảo đảm môi trường học tập theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dam-bao-tien-ich-hoc-thuat-bang-phat-trien-khu-dai-hoc-chuyen-biet-post739435.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dam-bao-tien-ich-hoc-thuat-bang-phat-trien-khu-dai-hoc-chuyen-biet-post739435.html
Bài liên quan
Giải bài toán nguồn lực tài chính phát triển Giáo dục đại học
Được sửa đổi năm 2018 với trọng tâm là tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GD đại học, Luật Giáo dục đại học đã tạo bước chuyển biến mạnh, tích cực trong hệ thống cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo tiện ích học thuật bằng phát triển khu đại học chuyên biệt