Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Quốc gia cho biết, việc tính sự hao mòn phương tiện theo số km xe đã vận hành có thể chính xác hơn so với tính theo thời gian sử dụng. Tuy nhiên áp dụng để xác định chu kỳ kiểm định ô tô không khả thi, không thực tiễn vì có xe không đi vẫn có thể hư hại theo thời gian, như lốp sau vài năm phải thay dù xe không lăn bánh, hay xe phải thay dầu dù ít sử dụng…
Theo ông Tạo, trên thế giới, ngay cả các nước phát triển như Anh, Đức, Mỹ cũng tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian giống Việt Nam mà không áp dụng cách tính số km để kiểm định. “Hiện nay, chưa có cách nào xác định chính xác số km xe chạy. Đối với đồng hồ km gắn trên xe không đủ tính trung thực, bởi thiết bị dễ dàng bị can thiệp như tháo đồng hồ cũ ra lắp mới, hư hỏng ngưng trệ, hay thậm chí còn có tình trạng “tua” số km. Nếu lắp một đồng hồ đo khác để tính số km sẽ gây tốn kém chi phí và phiền toái khi phải xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật của loại thiết bị này, quy trình kiểm định riêng và phải có cơ chế giám sát để “khoá” tình trạng gian lận số km”, ông Tạo nói.
Ông Tạo cho biết thêm, trong cách tính chu kỳ kiểm định ô tô theo thời gian tại Việt Nam cũng đã lưu ý đến vấn đề số km xe chạy thông qua việc phân loại phương tiện không kinh doanh vận tải và xe kinh doanh vận tải. Bên cạnh việc được vận hành cường độ ít hơn so với xe vận tải, xe cá nhân còn được chủ xe chăm sóc, bảo dưỡng cẩn thận hơn nên chất lượng kỹ thuật phương tiện đảm bảo hơn.
“Xác định chu kỳ kiểm định ô tô theo thời gian như hiện tại là phù hợp, có thước đo rõ ràng hơn để giám sát thời điểm phương tiện cần kiểm tra kỹ thuật xe”, ông Tạo nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc tính chu kỳ kiểm định theo thời gian giúp lực lượng chức năng dễ kiểm soát hơn nhờ vào tem kiểm định. Còn tính theo km, đăng kiểm viên phải kiểm tra đồng hồ xem đã đến thời gian kiểm định chưa, Cảnh sát Giao thông cũng khó kiểm soát.
Về cách để chủ xe không thể can thiệp vào km đã vận hành, ông Thanh cho rằng có thể niêm phong đồng hồ, nếu chủ xe điều chỉnh sẽ xử phạt. “Bộ Giao thông Vận tải phải nghiên cứu cách làm sao kiểm soát được các vấn đề nêu trên để việc áp dụng có tính khả thi cao”, ông Thanh nói.
Một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các nước trên thế giới hiện chỉ áp dụng cách tính số km vận hành trong bảo hành, bảo dưỡng phương tiện không thực hiện trong chu kỳ kiểm định.
Lý giải về nguyên nhân chỉ kiểm định xe theo thời gian sử dụng thay vì căn cứ vào số km xe chạy thực tế, vị này cho rằng, ô tô là sản phẩm đặc thù có nhiều vật liệu, chi tiết cấu thành. Các vật liệu có tính chất hóa lý khác nhau nên dù không sử dụng thì xe cũng suy hao theo thời gian. Đặc biệt, các chi tiết làm bằng cao su, lốp, dầu máy... không vận hành còn nhanh hỏng hơn sử dụng thường xuyên và chăm sóc định kỳ.
Theo vị này, nếu áp dụng tại Việt Nam, hành vi “tua” km cũng phải được quy định trong Luật Hình sự mới đủ tính răn đe, ngăn chặn. Nếu chỉ đưa vào Luật Giao thông đường bộ và phạt hành chính căn cứ theo Nghị định 100 thì không thể ngăn chặn triệt để việc gian lận số km.
“Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước. Cục đã và đang tiếp tục nghiên cứu tính chu kỳ dựa trên số km trước khi có báo cáo cuối cùng”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm thông tin.