Chuyên gia năng lượng tại Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice ở Houston, Jim Krane, đánh giá nếu Chevron gặp khó khăn trong việc tiếp thị khí đốt tự nhiên của Israel sang các nước láng giềng hoặc mất khả năng tiếp cận các cơ sở hóa lỏng ở Ai Cập, thì họ có thể làm chậm hơn nữa các khoản đầu tư.
Chuyên gia Krane nói: “Hiện tại, chúng tôi không biết cuộc xung đột này sẽ đi đến đâu. Điều đó sẽ đòi hỏi phải thận trọng và tạm dừng đầu tư.”
Ảnh: Reuters
Mỏ Tamar cách Ashkelon - thành phố ven biển của Israel - khoảng 25 km và nằm trong tầm bắn của tên lửa từ Gaza. Bộ Năng lượng Israel cho biết họ có thể dựa vào nhiên liệu thay thế.
Tập đoàn Mỹ cho biết, giàn khoan Leviathan - cơ sở khí đốt ngoài khơi khác mà Chevron vận hành, sẽ vẫn tiếp tục gửi khí đốt đến Israel và các nơi khác để xuất khẩu.
Chevron cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi tập trung vào việc cung cấp khí đốt tự nhiên an toàn và đáng tin cậy vì lợi ích của thị trường nội địa Israel và khách hàng trong khu vực của mình."
Các nhà phân tích chỉ ra, nếu xung đột kéo dài, việc mất mỏ Tamar sẽ làm chậm nỗ lực của Chevron nhằm mở rộng xuất khẩu từ Ai Cập sang châu Âu. Họ đã hy vọng sẽ tăng lượng hàng xuất khẩu trong những tháng tới.
Sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu đã tạo cơ hội cho Chevron và các công ty khác bao gồm ExxonMobil và ENI phát triển các mỏ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải và các quốc gia như Algeria.
Chevron và Exxon đã cố gắng đàm phán các thỏa thuận để khoan tại các mỏ giàu khí đốt của Algeria, theo WSJ đưa tin trước đó. Chevron và đối tác của mình ENI cũng đã phát hiện một lượng lớn khí đốt ngoài khơi Ai Cập. Theo Khảo sát Kinh tế Trung Đông, Exxon đang tìm cách khoan giếng ngoài khơi Ai Cập lần đầu tiên vào năm tới.
Hôm 9/10, giá cả khí đốt ở châu Âu và dầu thô trên toàn cầu đều tăng trong bối cảnh lo ngại rằng tình trạng bất ổn ở Trung Đông có thể làm giảm nguồn cung.