Với quyết định miễn nhiệm trên, Ban Điều hành VietBank hiện còn lại 6 người, trong đó bà Trần Tuấn Anh giữ chức Tổng Giám đốc ngân hàng.
Vào năm 2006, bà Lâm là một trong những cổ đông sáng lập ngân hàng VietBank với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Đáng chú ý, những cổ đông sáng lập ban đầu của VietBank đều là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.
Từ năm 2006 - 2021, ông Dương Ngọc Hòa - Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Lâm (chồng bà Lâm) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank. Kể từ tháng 4/2021, con trai bà Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VietBank.
Vào ngày 20/3, ông Nguyên đã thực hiện quyền mua hơn 4,8 triệu cổ phiếu VBB, nâng số cổ phiếu VBB đang nắm giữ lên gần 28 triệu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,83% vốn điều lệ VietBank.
Trong thời gian từ 6/12/2018 - 6/1/2019, dù đang thụ án nhưng ông Nguyễn Đức Kiên đã bán ra toàn bộ 6,61 triệu cổ phần sở hữu tại VietBank, tương đương với 2,035% vốn điều lệ.
Sau khi bầu Kiên bán cổ phần, nhóm nữ đại gia Trần Thị Lâm và Tập đoàn Hoa Lâm xuất hiện rõ nét hơn tại VietBank.
Theo báo cáo quản trị 2023, hiện gia đình bà Lâm đang sở hữu 11,73% vốn điều lệ VietBank. Trong đó, ông Dương Ngọc Hòa nắm 4,55% vốn, ông Dương Nhất Nguyên nắm 3,36%, con gái Dương Mai Anh nắm 2,1% và Dương Bảo Anh nắm 1,7%.
Năm 2019, Forbes Việt Nam đã bình chọn Tập đoàn Hoa Lâm là một trong 20 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam. Bà Lâm cũng góp mặt trong Top 50 những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam, bên cạnh các “nữ tướng” quen thuộc như Thái Hương, Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Phương Thảo...