Golden Gate - đơn vị vừa thâu tóm The Coffee House được biết đến là ông trùm F&B, vận hành chuỗi thương hiệu nổi tiếng như: Gogi House, Sumo BBQ...
Golden Gate được thành lập năm 2005 với nhà hàng đầu tiên mang thương hiệu Ashima, chuyên về lẩu nấm cao cấp. Đến năm 2009, công ty ra mắt Kichi-Kichi - chuỗi lẩu băng chuyền, đánh dấu bước chuyển mình sang mô hình chuỗi nhà hàng.
Từ 2011 đến 2018, Golden Gate mở rộng mạnh mẽ với các thương hiệu nổi bật như Gogi House (nướng Hàn Quốc), Manwah (lẩu Đài Loan), Hutong (lẩu Hong Kong), Sumo BBQ (nướng Nhật Bản) và Cowboy Jack’s (ẩm thực Mỹ), nâng tổng số nhà hàng lên hơn 100 vào năm 2015.
Đầu năm 2024, Golden Gate ra mắt thương hiệu Golden Gate Foods và khánh thành nhà máy thực phẩm thứ hai tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tại ngày 16/12/2024, Golden Gate có vốn điều lệ hơn 77,9 tỷ đồng. Danh sách cổ đông không được công bố chi tiết. Người đại diện pháp luật của công ty là ông Đào Thế Vinh, sinh năm 1972, chức vụ Tổng Giám đốc.
Năm 2023, Tập đoàn Golden Gate ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.289 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 79%, chỉ còn 139 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến Golden Gate “lỗ” được cho là do chi phí thuê mặt bằng và nhân công cao, cùng với việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế biến động.
Tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này sở hữu mạng lưới gồm 506 nhà hàng trên khắp cả nước. Đáng chú ý, trong năm 2023 Golden Gate cắt giảm 2.713 nhân sự, dù trước đó vừa tuyển hơn 3.300 nhân viên vào năm 2022.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng 12% lên 7.066 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 17% lên 162 tỷ đồng. Để thực hiện được kế hoạch đặt ra, Golden Gate dự kiến phát triển và mở rộng mạng lưới nhà hàng trên cả nước có chọn lọc, phát triển nhãn hàng mới....
Trong năm 2024, Golden Gate cũng đóng cửa nhiều chi nhánh hoạt động không hiệu quả. Điển hình cuối năm ngoái, chuỗi lẩu cao cấp Manwah đã ngừng hoạt động hai chi nhánh tại Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) và Nguyễn Hoàng (Hà Nội); 3 chi nhánh trà sữa Yu Tang tại Hà Nội cũng lần lượt đóng cửa từ cuối năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, công ty đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 53%. Tuy nhiên, vào cuối năm 2024, Golden Gate quyết định hủy kế hoạch này để tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư và mở rộng kinh doanh trong và ngoài nước giai đoạn 2024-2025.
Ngày 19/2, thông tin từ Deal Street Asia, Golden Gate được cho là đã mua lại chuỗi cà phê The Coffee House từ tay Tập đoàn bán lẻ Seedcom. Trước khi lấn sang mảng trà, cà phê bằng thương vụ The Coffee House, Golden Gate từng mở Universal Tea vào giữa năm 2023.
Việc thâu tóm The Coffee House của Golden Gate được giới chuyên gia đánh giá là một bước đi mới, nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh, thích ứng với điều kiện thay đổi của "ông lớn" F&B này.
The Coffee House: Từ "kỳ lân" ngành F&B đến liên tục thua lỗ
The Coffee House được doanh nhân Nguyễn Hải Ninh thành lập vào năm 2014 với số vốn điều lệ ban đầu là 9,16 tỷ đồng. Sau 3 năm phát triển, The Coffee House đã mở rộng quy mô lên 60 cửa hàng tại khắp TP.HCM.
Tháng 8/2017, doanh nghiệp này tăng vốn lên thành 62,15 tỷ đồng. Cơ cấu lúc này ghi nhận thêm cổ đông nước ngoài là Ficus Asia Investment, nắm giữ 44,8% cổ phần.
Năm 2018, Nikkei Asian Review đánh giá The Coffee House là công ty khởi nghiệp về cà phê phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Chuỗi cà phê này được đánh giá là có tốc độ mở rộng nhanh nhất thời điểm đó.
Tháng 1/2019, The Coffee House tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 73,33 tỷ đồng và tiếp tục ghi nhận thêm 1 cổ đông là Công ty Cổ phần Seedcom với tỷ lệ sở hữu 30,44%.
Tháng 6/2020, vốn điều lệ của công ty lại được tăng lên mức 98,6 tỷ đồng. Khi đó, Seedcom đã nâng mức sở hữu lên 51,8%.
Đến năm 2021, thương hiệu này mở rộng tới 180 cửa hàng, chỉ sau Highlands Coffee và Trung Nguyên về quy mô điểm bán.
Tính đến tháng 1/2023, The Coffee House duy trì vị trí thứ hai tại Việt Nam về số lượng với 152 cửa hàng, chỉ sau Highlands Coffee với 597 cửa hàng.
Tháng đầu năm 2025, The Coffee House thông báo nâng vốn điều lệ lên gần 2,6 lần, từ gần 150 tỷ đồng lên hơn 400 tỷ đồng. Hiện cổ đông nước ngoài là Ficus Asia Investment nắm gần 19% vốn The Coffee House. Ficus Asia Investment cũng là công ty mẹ, nắm 99% cổ phần Seedcom Group - đơn vị sở hữu The Coffee House.
Tuy nhiên, từ sau đại dịch COVID-19, chuỗi The Coffee House ghi nhận sự đi xuống, dần mất vị thế.
Bảng xếp hạng Top công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2024 của Vietnam Report cho thấy trong Top 5 công ty dịch vụ ăn uống uy tín năm 2024 ở nhóm chuỗi cửa hàng cà phê, dịch vụ đồ uống, nhượng quyền đã không còn The Coffee House. Kết quả kinh doanh của The Coffee House cũng có xu hướng đi xuống từ năm 2020.
Thời điểm giữa năm 2024, The Coffee House đã âm thầm đóng cửa các chi nhánh sau 6 năm hoạt động tại Cần Thơ. Không dừng lại ở Cần Thơ, The Coffee House cũng có kế hoạch đóng toàn bộ cửa hàng tại Đà Nẵng.
Đến ngày 19/2, chuỗi cà phê The Coffee House còn 93 cửa hàng trên cả nước, trong đó có 51 cửa hàng tại TP.HCM và 31 cửa hàng ở Hà Nội.
11 cửa hàng còn lại ở 7 tỉnh thành khác gồm Hải Phòng, Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên, Đồng Nai, Tây Ninh và Hải Phòng. Con số này giảm gần 50% so với quy mô 180 cửa hàng ở 18 tỉnh thành thời kỳ đỉnh cao. Vào cuối năm 2023, chuỗi có 150 cửa hàng.