Giống với các quốc gia châu Âu, Mỹ khuyến cáo công dân không nên du lịch hoặc di chuyển tới Niger, đặc biệt là thủ đô Niamey, nếu "không cần thiết".
Các hoạt động sơ tán và khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng sau khi chính quyền thân phương Tây của Tổng thống Mohamed Bazoum bị lật đổ vào cuối tháng 7.
Ngày 26/7, các thành viên trong lực lượng an ninh bảo vệ Tổng thống Niger đã bắt giữ ông Bazoum, tuyên bố giải tán chính phủ. Tướng Abdourahamane Tchiani, thủ lĩnh nhóm đảo chính, sau đó tự phong là Tổng thống Niger.
Cuộc binh biến ở Niger đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga, Mỹ hay một số nước ở Tây Phi.
Trong những ngày gần đây, nguy cơ bạo lực leo thang ở Niger tăng cao khi một số nước và khối chính trị cân nhắc can thiệp.
Ngày 30/7, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), một tổ chức kinh tế chính trị, đã ra "tối hậu thư" yêu cầu phe đảo chính khôi phục quyền lực cho ông Bazoum trong vòng một tuần. Nếu không, khối này sẽ "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger, bao gồm cả khả năng sử dụng vũ lực". ECOWAS nói rằng, can thiệp quân sự sẽ là "phương án cuối cùng".
Tuy nhiên, Burkina Faso và Mali, 2 quốc gia láng giềng với Niger, đưa ra một tuyên bố chung, nói rằng "bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger" cũng được xem là lời tuyên chiến chống lại 2 nước này.