Trong vụ việc cổ phần hóa ở Hãng Phim truyện Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ trên báo chí. Theo anh, một trong những thiệt hại lớn nhất trong vụ việc này là hơn 300 bộ phim điện ảnh kinh điển của điện ảnh Việt Nam bị mốc, hỏng nghiêm trọng, nếu để kéo dài sẽ không còn khả năng sử dụng.
“Những bản phim này mang dấu ấn sáng tạo nguyên bản của các nghệ sĩ điện ảnh của Hãng Phim truyện Việt Nam, là cơ sở làm phim truyện nổi bật, quan trọng nhất qua các thời kỳ cho tới tận ngày hôm nay, với nhiều bộ phim kinh điển đã từng nhận những giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim Việt Nam và quốc tế lớn.
Việc phục chế các phim nhựa cũ luôn là một vấn đề rất phức tạp và rất đắt tiền, đòi hỏi công nghệ, tay nghề cao của các chuyên gia phục chế, phương tiện kỹ thuật và cần nguồn kinh phí rất lớn. Ngay cả trên thế giới cũng không nhiều cơ sở có khả năng phục chế các tác phẩm phim điện ảnh nhựa ở tiêu chuẩn quốc tế”, anh trăn trở.
Theo NSƯT Bùi Trung Hải, vì một số hạn chế nên tại Việt Nam đã xóa bỏ hầu như hoàn toàn việc sản xuất cũng như phát hành phim nhựa. Vì vậy, anh hy vọng thời gian tới Nhà nước hãy phục hồi những giá trị điện ảnh chuẩn mực này, đồng thời xem xét đầu tư vào việc sản xuất phim nhựa trong tương lai.
“Sự tiếp tục phát triển mạnh của dòng phim nhựa trên thế giới đang là một trào lưu, đặc biệt ở Mỹ. Trong danh sách đề cử giải thưởng Quả Cầu Vàng năm nay đã có rất nhiều phim nổi bật được đề cử ở các hạng mục quan trọng nhất, như giải Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sắc, Diễn viên xuất sắc… được quay bằng phim nhựa.
Vì vậy, có lẽ Hà Nội cũng nên có phòng chiếu phim nhựa tiêu chuẩn cao. Đó sẽ là một công việc rất có ý nghĩa để phát triển, nâng cao chất lượng của điện ảnh dân tộc”, anh bộc bạch.
Nhấn mạnh vai trò của việc tiếp nối di sản của các thế hệ đi trước, NSƯT Bùi Trung Hải cho biết, người ta nói đến trường phái phim Pháp, Đức, Mỹ, Scandinavia... không gì khác đó chính là sự tiếp nối truyền thống của điện ảnh dân tộc.
Tuy các nhà làm phim có thể thu nhận ảnh hưởng của thế giới nhưng những nét truyền thống thường lặp lại và được phát triển một cách tự nhiên trong các nền điện ảnh.
Ví dụ sự phát triển, cấu trúc điện ảnh của bộ phim “The Great Beauty” của đạo diễn người Ý Paolo Sorrentino bị ảnh hưởng, tiếp thu rất mạnh phong cách làm phim của đạo diễn bậc thầy Federico Fellini từ các bộ phim của ông những năm 1950 - 1970 như “La Dolce Vita”, “8 1⁄2”... “Các nhà làm phim trên thế giới cũng có chung mối liên kết: Tình yêu điện ảnh.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải trao đổi với diễn viên khi làm phim 'David and Luisa'. |
Đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Martin Scorsese đã thành lập Quỹ chuyên tài trợ cho việc phục chế những tác phẩm điện ảnh trên thế giới. Vì thế, chúng ta phải thấy rõ sự liên kết chặt chẽ giữa quá khứ, truyền thống và hiện tại trong điện ảnh. Phải hiểu và tôn trọng những tác phẩm nền móng của thế hệ trước thì mới phát triển được điện ảnh trong tương lai”, anh nhấn mạnh.
Là người đã từng làm phim tại Los Angeles và cộng tác với nhiều đoàn làm phim quốc tế, đạo diễn Bùi Trung Hải hiểu khá rõ sức mạnh cạnh tranh và đẳng cấp chuyên nghiệp trong tất cả các khâu của nền công nghiệp điện ảnh Mỹ: Đạo diễn, diễn xuất,… và đặc biệt là kịch bản.
Anh nhận thức được đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới trong công việc làm phim ở Việt Nam, để các bộ phim được tăng cường sức hấp dẫn, cuốn hút hướng tới khán giả... Anh vẫn đang tiếp tục xây dựng những dự án mới, tìm cách cố gắng áp dụng những kỹ thuật làm phim mới trong điều kiện làm phim không hề dễ dàng tại Việt Nam.
Đặc biệt, anh muốn tiếp tục phát triển nét đặc trưng trong nhận thức văn hóa Việt, cố gắng tiếp nối những nét truyền thống tốt đẹp của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật: Mẹ là NSND, biên đạo múa Nguyễn Thị Hiển được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 6 - năm 2023. Cha là NSND Bùi Đình Hạc, người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 3.
Với anh, cha luôn là người bạn, người đồng hành thân thiết, gần gũi cả trong cuộc sống lẫn công việc. Anh học được nhiều điều từ cha về cách làm nghề, cách đối nhân xử thế và cha cũng là người truyền cho anh “ngọn lửa” đam mê nhiệt huyết để anh gắn bó với nghề suốt hơn 30 năm qua.