Mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 người có trình độ đại học trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ.
Theo GS.TS Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia Hà Nội), giải quyết bài toán này cần nhiều giải pháp trọng tâm và đột phá; trong đó cần đầu tư phòng nghiên cứu trọng điểm, đủ lớn để các cơ sở giáo dục đại học có thể dùng chung khi tham gia đào tạo vi mạch bán dẫn.
- Theo GS, đầu tư cơ sở vật chất có phải là yếu tố quan trọng và cần được ưu tiên trong đào tạo ngành vi mạch bán dẫn?
Tại hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn gồm: Cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất, huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp…
- Thực ra, lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn bao gồm nhiều khâu, với các công đoạn khác nhau như: Thiết kế; chế tạo; đo kiểm, đóng gói và triển khai ứng dụng. Một số công đoạn không chỉ cần sự đầu tư mà phải có tích lũy kinh nghiệm lâu dài, ví dụ công đoạn chế tạo. Trong khi đó, một số công đoạn không đòi hỏi quá nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm… mà chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố con người như: Công đoạn thiết kế, đo kiểm và đóng gói, ứng dụng vi mạch.
Với công đoạn 1 (Thiết kế) và công đoạn 4 (Triển khai ứng dụng vi mạch), chi phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu không nhiều. Thực tế thì nhiều trường đại học ở Việt Nam đã đầu tư, tổ chức đào tạo và nghiên cứu trong nhiều năm qua, điển hình là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Thậm chí, với công đoạn thiết kế, các trường có thể sử dụng công cụ mã nguồn mở để có thể tổ chức đào tạo khi chưa có kinh phí đầu tư. Sinh viên vẫn được học và làm quen với hầu hết khâu trong quá trình thiết kế vi mạch. Tất nhiên, nếu sinh viên được tiếp cận các công cụ hỗ trợ thiết kế thương mại thì khi tham gia tuyển dụng vào công ty, các em sẽ bắt tay vào công việc nhanh hơn.
Một vấn đề mà ở Việt Nam chưa làm tốt, đó là sự gắn kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với đơn vị đào tạo. Việc triển khai tốt hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta tận dụng được cơ sở vật chất đầu tư. Trên cơ sở đó, sinh viên được tiếp cận môi trường doanh nghiệp và giúp cơ sở giáo dục đại học hiểu hơn các bài toán thực tiễn mà doanh nghiệp gặp phải; từ đó có điều chỉnh phù hợp trong quá trình đào tạo cũng như hoạt động nghiên cứu.
Mặt khác, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn chất xám của đại học trong định hướng phát triển công nghệ của mình, đồng thời giải quyết những bài toán công nghệ gặp phải trong quá trình phát triển. Ví dụ, thay vì doanh nghiệp mất thời gian đào tạo kỹ sư mới sử dụng các công cụ hỗ trợ thiết kế, thì có thể hợp tác với trường đại học và chia sẻ quyền sử dụng công cụ đó cho các môn học liên quan (đối với công cụ hỗ trợ thiết kế vi mạch bán dẫn thì bản quyền thương mại thường được cấp thêm bản quyền giáo dục miễn phí).
Một cách tiếp cận nữa để giải quyết bài toán đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt liên quan đến công đoạn chế tạo là, liên kết hợp tác với đối tác nước ngoài, gửi sinh viên thực tập hay học chuyển tiếp ở đối tác nước ngoài như Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Trường ĐH Công nghệ) và một số trường đại học đang thực hiện.
- Từng có đề xuất Nhà nước cần đầu tư phòng nghiên cứu trọng điểm, đủ lớn để có thể dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học khi tham gia đào tạo vi mạch bán dẫn. Quan điểm của GS về đề xuất này?
- Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công đoạn chế tạo và công đoạn đóng gói - đo kiểm thường đòi hỏi chi phí đầu tư phòng sạch, trang thiết bị dây chuyền sản xuất thử nghiệm lớn. Bên cạnh đó, chi phí vận hành thường xuyên cũng khá lớn so với ngân sách của một trường đại học.
Chính vì vậy, ở nhiều nước trên thế giới, giải pháp sử dụng chung cơ sở vật chất ở một số khâu, công đoạn trong đào tạo lĩnh vực bán dẫn là xu thế tất yếu. Ví dụ, Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch (VDEC) của Nhật Bản đặt tại Đại học Tokyo; Trung tâm Vi điện tử giữa các trường đại học (CIME) của Cộng hòa Pháp đặt tại Minatec; Trung tâm IMEC (Vương Quốc Bỉ); Trung tâm CMC (Canada); Trung tâm CIC Đài Loan (Trung Quốc); Trung tâm IDEC (Hàn Quốc)…
Việc dùng chung cơ sở vật chất một mặt giúp Nhà nước tiết kiệm đầu tư, mặt khác thúc đẩy sự hợp tác giữa các đại học và giữa đại học với doanh nghiệp. Với Việt Nam, theo thông tin từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ sẽ đầu tư hình thành các trung tâm đào tạo và nghiên cứu dùng chung trang thiết bị đặt tại các đại học lớn và tại NIC.
Chủ trương đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm là cần thiết. Tôi cho rằng, đây là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố con người (người vận hành và người học) và chi phí vận hành. Từ trước đến nay, chúng ta mới chú ý đến khâu mua sắm thiết bị ban đầu; chưa tổ chức tốt vận hành và đưa vào hoạt động, khai thác một cách hiệu quả tối đa.
- Muốn vậy cần có những giải pháp gì thưa GS?
- Theo tôi, cần tập trung vào một số giải pháp: Thứ nhất, cần có chính sách thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp – đại học. Ví dụ, Nhà nước đầu tư trang thiết bị đào tạo, nghiên cứu theo hướng phát triển của doanh nghiệp, đặt địa điểm vận hành khai thác tại đại học. Doanh nghiệp được hưởng lợi: Nhân lực phù hợp (tuyển dụng), tri thức công nghệ (thông qua hoạt động hợp tác nghiên cứu), chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ mới… Trường đại học có cơ hội tốt về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, định hướng chương trình đào tạo và nghiên cứu sát hơn với nhu cầu doanh nghiệp…
Thứ hai, đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm, quy mô lớn cần có chuyên gia tư vấn tốt, kinh nghiệm thực tiễn ngay từ khâu xây dựng cho đến vận hành. Với các hệ thống phòng thí nghiệm chế tạo, chúng ta nên mời chuyên gia có kinh nghiệm để tư vấn đầu tư và giúp triển khai vận hành một cách bài bản (ít ra trong thời gian đầu).
Thứ ba, cơ chế vận hành cần có sự tham gia của nhiều bên: Đại học, doanh nghiệp, Nhà nước… Ban điều hành chuyên môn cần bao gồm các giáo sư, tiến sĩ đến từ các đại học, chuyên gia nghiên cứu phát triển từ doanh nghiệp; lựa chọn và giao nhiệm vụ cho các đại học lớn chịu trách nhiệm đầu mối vận hành.
Thứ tư, kêu gọi doanh nghiệp đóng góp thông qua phí thường niên, hoạt động nghiên cứu phát triển, học bổng đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh… đầu tư góp vốn hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trên cơ sở các kết quả nghiên cứu phát triển chung và tham gia thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Thứ năm, quan tâm phát triển hệ sinh thái đầy đủ công nghiệp bán dẫn.
- Vậy chúng ta có nên tính đến giải pháp hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn để cùng tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, sản phẩm đầu ra khi đào tạo ngành này?
- Việc phát triển hệ sinh thái rất quan trọng. Cần kết nối, xây dựng kế hoạch tổng thể để phát triển hệ sinh thái đầy đủ; đảm bảo sinh viên ra trường có đủ cơ hội để phát triển bản thân, nghề nghiệp và có những đóng góp hiệu quả cho lĩnh vực được đào tạo – Công nghiệp bán dẫn và thiết kế vi mạch. Nhấn mạnh ở đây là, hệ sinh thái không chỉ bó gọn trong lãnh thổ mà phải tính đến bài toán toàn cầu.
- Bên cạnh giải pháp về cơ sở vật chất, để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu này, theo GS việc đầu tiên cần làm là gì?
- Vi mạch bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư bài bản, chiến lược lâu dài. Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước, vào cuộc của doanh nghiệp và các trường đại học. Việc Chính phủ đặc biệt quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển lĩnh vực này là một tín hiệu đáng mừng.
Việc đầu tư xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo không quá khó. Nhiều trường đại học uy tín ở nước ta về khoa học cơ bản và công nghệ kỹ thuật như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có nền tảng, sự chuẩn bị ít nhiều từ vài thập niên qua.
Vấn đề đầu tiên chúng ta cần làm là bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ giảng dạy, điều chỉnh và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nhằm tiếp cận sát hơn các yêu cầu nhân lực của lĩnh vực này. Đội ngũ cán bộ giảng dạy không chỉ cần chuẩn hóa về mặt kiến thức, phương pháp giảng dạy mà phải có thêm trải nghiệm thực tế thông qua việc triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu cụ thể, hợp tác với doanh nghiệp công nghệ…
- Xin cảm ơn GS.TS!
Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Khu công nghệ cao TPHCM, Hòa Lạc và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC...), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.