Hiện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TPHCM chủ động triển khai kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. Theo nhận xét của PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, đây là 2 trường sư phạm đủ mạnh và am hiểu Chương trình GDPT 2018, nên việc tổ chức kỳ thi có thể tin cậy về chất lượng.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, trong tuyển sinh, các trường đại học đều mong chọn được người học có đủ năng lực và nguyện vọng theo học các ngành do nhà trường đào tạo. Nhà trường tuyển được người học phù hợp, tập trung tổ chức tốt công tác đào tạo để chất lượng đầu ra đảm bảo. Việc tổ chức luyện thi, tổ chức thi là công việc tốn kém, mất thời gian và cũng khó kiểm soát…
PGS.TS Võ Văn Minh phân tích, kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển sinh có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng mục đích chính là chủ động tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Nếu cứ tiếp tục mở rộng dần ra sẽ dễ quay lại kiểu thi đại học như trước đây, trái lại với quan điểm của Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở này, PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, cần hạn chế các kỳ thi có cùng tính chất như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, để giảm chi phí xã hội cũng như tránh gây thêm lo lắng, áp lực cho người học; thậm chí tránh trường hợp lợi dụng ôn, luyện thi tràn lan, dễ phát sinh tiêu cực.
“Về năng lực chuyên biệt như năng khiếu hay đặc thù nghề nghiệp, các trường có thể kết hợp thi tuyển, hay dựa vào học lực, bài luận hoặc thư giới thiệu… Việc này lâu nay các trường sư phạm vẫn triển khai để tuyển chọn người học phù hợp”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng gợi mở.
PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng: “Nếu có chính sách tốt cho giáo viên và sinh viên sư phạm thì các trường sư phạm không lo khó tuyển. Vấn đề căn bản là cần tuyển đúng người học. “Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học” theo tinh thần Nghị quyết 29 thì các trường có quyền, nhưng nếu tất cả áp dụng quyền theo kiểu tổ chức kỳ thi riêng thì chắc chắn sẽ gây “áp lực và tốn kém cho xã hội”.