Giáo dục

Đào tạo nhân lực vùng ĐBSCL: Thích ứng với chiến lược 'xoay trục'

24/05/2025 09:55

Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện chiến lược “xoay trục” ngành Nông nghiệp từ trụ cột “lúa gạo, rau quả và thủy sản” sang “thủy sản, rau quả và lúa gạo”.

Chiến lược này nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tuy nhiên, để trục xoay vận hành thông suốt, việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trở nên cấp bách.

Thách thức đào tạo nhân lực

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, kết hợp với các yếu tố nhân khẩu học và áp lực phát triển kinh tế, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có. Trong đó, các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở và thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người dân.

Đồng thời, khu vực này cũng chứng kiến tình trạng già hóa dân số, di cư lao động và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Để hướng tới phát triển bền vững, việc đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao và tìm kiếm các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành hai trụ cột chiến lược hàng đầu.

PGS.TS Từ Diệp Công Thành (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu yêu cầu khu vực “đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, dân cư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”.

Hiện Đồng bằng sông Cửu Long hình thành nhiều trường đại học. Đây là những cơ sở uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và đóng góp nhiều nghiên cứu giá trị cho sự phát triển của khu vực.

Về thực trạng nguồn nhân lực, theo PGS.TS Từ Diệp Công Thành, thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long là lực lượng lao động dồi dào, nhưng điểm yếu ở chỗ phần lớn chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến không thể phát huy hết tiềm năng và lợi thế của vùng. Thiếu chiến lược đào tạo khoa học và hợp lý đã khiến khu vực chưa khai thác tối đa tiềm năng kinh tế từ các lĩnh vực chủ lực như lúa gạo, thủy sản và trái cây.

PGS.TS Từ Diệp Công Thành nhấn mạnh, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt bối cảnh biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long phải tận dụng mọi tiềm năng vốn có để không bị tụt hậu trong thời kỳ hội nhập.

Trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, cần được bắt đầu từ chiến lược phát triển con người, đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập và phát triển. Mục tiêu là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển bền vững.

Trụ cột “lúa gạo, rau quả và thủy sản” đang xoay trục sang “thủy sản, rau quả và lúa gạo”. Tuy nhiên, quá trình này còn nhiều thách thức, đặc biệt về nguồn nhân lực. PGS.TS Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ) cho hay, trong những năm gần đây, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng rõ rệt nhưng vẫn thấp so với cả nước. Trong giai đoạn 2012 - 2022, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên ở vùng chỉ tăng từ 3,4% lên khoảng 6,7%, trong khi mặt bằng chung cả nước đạt trên 11,9%.

dao-tao-nhan-luc-vung-dong-bang-song-cuu-long-1.jpg
Sinh viên Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực nghiệm tại trại nuôi tôm của trường. Ảnh: Q. Ngữ

Bắt tay đào tạo

Năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Cần Thơ khai giảng các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Sóc Trăng và thành lập Phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại địa phương này. Theo PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, đây là minh chứng cho sự hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và nhà trường trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực vững chuyên môn, giàu kỹ năng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Sóc Trăng, nhà trường triển khai đào tạo thạc sĩ ở 3 ngành: Công nghệ thông tin; Khoa học cây trồng (chuyên ngành Kỹ thuật nông nghiệp thông minh); Hệ thống nông nghiệp (chuyên ngành Biến đổi khí hậu và nông nghiệp nhiệt đới bền vững).

Ngoài ra, trường tổ chức các khóa tập huấn về thủy sản và “Kỹ năng về khí hậu”. Dự kiến từ năm 2025, trường đào tạo bậc đại học các ngành Kế toán, Luật kinh tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Anh và sau đại học với các ngành Công nghệ thông tin, Quản lý kinh tế, Quản lý giáo dục.

Trường Đại học Cần Thơ mở phân hiệu tại Sóc Trăng tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên trong tỉnh được học tập gần nhà, đồng thời làm cầu nối đưa các chương trình đào tạo chất lượng cao đến gần hơn với địa phương. Bày tỏ quan điểm, ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng đồng thời cho rằng, đây cũng là tiền đề để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển của tỉnh.

Để đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thích ứng biến đổi khí hậu nói riêng, PGS.TS Từ Diệp Công Thành kiến nghị, trước hết cần phát triển năng lực tự đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên, chuyên gia tại chỗ để đảm đương công tác phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, cần xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngắn hạn và dài hạn, gắn với các mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu. Việc tăng cường đầu tư ngân sách và cơ sở vật chất cho giáo dục hết sức cần thiết. Các cấp lãnh đạo cần quy hoạch trung tâm đào tạo trọng điểm để từ đó đầu tư tương xứng và liên tục theo định hướng, đạt tiêu chuẩn ngang bằng hoặc cao hơn các trung tâm đào tạo lớn trong nước và khu vực.

Ngoài ra, PGS.TS Từ Diệp Công Thành nhấn mạnh cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhân lực chất lượng cao triển khai các hoạt động nghiên cứu - ứng dụng khoa học vào thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Đồng thời, cần khuyến khích liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, chia sẻ học thuật, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ đào tạo tiên tiến với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm rút ngắn khoảng cách và nâng cao chất lượng đào tạo.

Đầu tư viện, trường là nòng cốt

Tại TP Cần Thơ, trước những thách thức của biến đổi khí hậu và chiến lược “xoay trục” ngành Nông nghiệp, UBND thành phố đã chủ động đặt hàng giới khoa học nghiên cứu 5 nhóm vấn đề cấp bách nhằm thích ứng với thay đổi địa lý và khí hậu vùng.

Các nhóm nghiên cứu bao gồm: Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông minh; thiết kế đô thị thông minh và kiến trúc xanh; hệ thống giao thông thủy, cấp nước và dự báo sụt lún; nghiên cứu xã hội phục vụ phát triển bền vững…

Cùng đó là sự tham gia của các nhà khoa học, nhà trường trong việc đánh giá thực trạng nguồn nhân lực hiện tại và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt ở những ngành, nghề phù hợp với lợi thế vùng.

TS Nguyễn Thành Nhân (Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Cần Thơ) nhìn nhận, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với lợi thế phát triển vùng, các địa phương cần chú trọng đầu tư phát triển và nâng cao năng lực nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công nghệ như Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu giống thủy sản…

Các đơn vị này đóng vai trò nòng cốt trong việc kết nối các tổ chức, cá nhân trong vùng với viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, qua đó gia tăng hiệu quả nghiên cứu - ứng dụng và thu hút nguồn nhân lực.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình: Chiến lược phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và xây dựng. Cùng đó, lao động và việc làm chuyển dịch theo hướng hiện đại, thông minh và chất lượng cao trong thời đại số.

Tuy nhiên, tại đây, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp. Trong khi đó, điều kiện sinh thái đang biến đổi rõ nét do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do vậy, vùng cần tăng cường giáo dục và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng ngành nghề đặc trưng địa phương, bản sắc văn hóa miền sông nước, cũng như các ngành nghề mà thị trường đang và sẽ có nhu cầu trong giai đoạn phát triển mới.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-nhan-luc-vung-dbscl-thich-ung-voi-chien-luoc-xoay-truc-post732393.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-nhan-luc-vung-dbscl-thich-ung-voi-chien-luoc-xoay-truc-post732393.html
Bài liên quan
Cơ hội bứt phá trong đào tạo nhân lực thời kỳ chuyển đổi số
Sau nhiều năm đi vào thực tiễn, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã góp phần định hình một diện mạo mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, từng bước thể chế hóa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nhân lực vùng ĐBSCL: Thích ứng với chiến lược 'xoay trục'