Không chỉ là những hồi ức, cuốn sách còn có cả những câu chuyện dạy làm người. Dưới mái trường đơn sơ, nghèo khó vẫn ẩn chứa tình người, nghĩa thầy trò, chan chứa.
Một trong những hình ảnh cảm động trong tác phẩm là cảnh “năm nay thầy đã ở tuổi 83, em cũng đã 72 rồi còn gì”. Nhưng vẫn là “thầy tiễn tôi ra cổng. Tôi bíu lấy cánh tay thầy mà bịn rịn, bâng khuâng”. Dù nửa thế kỷ không gặp, tóc cũng đã điểm bạc nhưng cô học trò ngày xưa dường như vẫn mãi nhỏ bé bên thầy, vẫn ghi nhớ những lời thầy dạy. Tình cảm thầy trò càng lấp lánh và đáng suy ngẫm hơn hơn khi ngày nay đạo thầy trò đang xuống cấp.
“Nước mắt học trò” còn có cả những bài học đến nay vẫn mang tính thời sự. Đó là những con người nhiệt tình thì có thừa nhưng thiếu kinh nghiệm. “Sáng kiến” góp mạ, góp phân cho mảnh ruộng của trường nhưng lúa chín không đều vì quên “quán triệt” học sinh chọn giống và tuổi của mạ. Góp gà, góp thóc để gây quỹ nhưng “chỉ qua một tháng hè là nhẵn chuồng” vì “lũ cáo đầu đen”...