Trong thời gian tới, việc tiếp tục giảm lãi suất có thể sẽ khiến dòng tiền đầu tư chuyển dịch từ những kênh đầu tư có tính chất an toàn, tỷ suất lợi nhuận thấp sang những kênh đầu tư có tỷ suất đầu tư cao hơn như bất động sản.
Về chính sách của Nhà nước, BHS cho rằng, chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/03/2023 về việc Giải ngân đầu tư công có hiệu lực. Các địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nhiều dự án cao tốc, hạ tầng trọng điểm khởi công và có động lực đẩy nhanh thời gian hoàn thiện; Các tỉnh có nhiều dự án hạ tầng giao thông khởi công và hoàn thành trong 6 tháng cuối năm là: Bình Thuận, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Tiền Giang.
Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với điểm đáng chú ý: cho phép UBND tỉnh quy định khu vực phân lô bán nền mà không phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng.
Phân khúc nào sẽ lên ngôi 6 tháng cuối năm?
BHS cho rằng, các địa phương được đầu tư hạ tầng giao thông và thu hút vốn FDI mạnh mẽ nhất sẽ là những điểm sáng phát triển kinh tế và phục hồi bất động sản. Cụ thể, tại miền Bắc có Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng; miền Trung có Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng; miền Nam có TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương.
Xét về phân khúc, BHS đưa ra dự báo đất nền có thể 1 lần nữa lại dậy sóng vào nửa cuối năm 2023, đặc biệt là các sản phẩm đất nền gần khu dân cư, khu công nghiệp. Tuy nhiên sẽ không còn sự thổi giá ồ ạt như thời kỳ trước.
Chung cư vẫn là dòng sản phẩm hướng tới người ở thực, vẫn duy trì được mức giao dịch. Nhà ở xã hội cũng vẫn là dòng sản phẩm được khách hàng ngóng chờ nhiều nhất, “ra là cháy”.
Còn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao tầng, nhà nước đã có quy định rõ ràng hơn cho các sản phẩm condotel từ quý 1/2023. Do đó, các sản phẩm mức giá 1 - 3 tỷ có khả năng được hấp thụ tốt hơn; hàng tồn, hàng chuyển nhượng tăng cơ hội thanh khoản.
Với sản phẩm nghỉ dưỡng thấp tầng sẽ vẫn là dòng sản phẩm khó thanh khoản vì đơn giá cao và tổng giá lớn.