Học đường

Dấu ấn tuổi trẻ từ đảo ngọc đến xứ Triệu Voi

28/07/2025 12:30

Chiến dịch Mùa Hè xanh 2025, sinh viên Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại đảo Phú Quý và nước bạn Lào.

Không chỉ góp sức trẻ cho cộng đồng, họ còn mang về bài học lớn về tình hữu nghị, bản lĩnh và trách nhiệm công dân toàn cầu.

Sức trẻ rực cháy

115 lá cờ Tổ quốc tung bay trên vùng biển đảo của đất nước, phấp phới trong sức gió của vùng trời biển đảo quê hương, tung bay hiên ngang như lý tưởng sống và khát vọng cống hiến của thanh niên. Sau khi tuyến đường hoàn thành, nhân dân tại địa phương đã dành nhiều lời khen, nhiều du khách đã check-in tuyến đường cờ, chính những điều đó đã đánh dấu sự thành công của đội hình, thành công trong vòng tay yêu thương của bà con nhân dân. - Trần Trung Trí - Chiến sĩ tình nguyện tại đặc khu Phú Quý (Lâm Đồng)

Giữa làn gió biển của đặc khu Phú Quý (Lâm Đồng), tập thể 40 chiến sĩ tình nguyện, trong đó có Trần Trung Trí - sinh viên năm 2 ngành Du lịch, Trường Đại học Sài Gòn đã ghi dấu từng bước chân với những công trình, phần việc ý nghĩa.

“Đây là lần đầu em đến đảo, không phải là một khách du lịch, mà là một chiến sĩ tình nguyện khoác lên mình màu áo xanh của tuổi trẻ”, Trí chia sẻ. Cảm xúc ấy, đối với Trí là sự tự hào được góp phần vào sự phát triển của một đặc khu đang từng ngày vươn mình mạnh mẽ.

Trí cho hay, ngay từ khi đặt chân đến đảo, đội hình bắt tay vào việc dọn dẹp nơi ở, chuẩn bị cho hành trình 15 ngày đầy thử thách. Bằng tinh thần “nắng không than, mệt không nản”, các sinh viên đã hoàn thành nhiều phần việc như lắp đặt 2 sân chơi thiếu nhi, vẽ làng bích họa Tam Thanh, lắp đèn năng lượng mặt trời, tổ chức lớp học, xây nhà vệ sinh, tổ chức 2 đêm nhạc “Điểm hẹn Phú Quý” và 1 giải chạy Phú Quý Đảo Xanh cự ly 5km…

Đối với sinh viên năm 2 ngành Du lịch, công trình để lại dấu ấn sâu đậm nhất là tuyến đường cờ Tổ quốc với 115 cột cờ do các tình nguyện viên và đoàn viên thanh niên địa phương thực hiện. Dưới cái nắng gắt, họ đã khoan tường, bắt ốc và treo những lá cờ đỏ sao vàng dọc theo bờ kè Tam Thanh.

“Chúng em thực hiện trong 3 ngày dưới cái nắng cháy da. Đây gần như là công trình đầu tiên của nhóm hoàn thành, dù rất cực, nhiều cái chưa lần nào em làm như khoan tường, bắt vít… nhưng bằng sự kiên trì và tinh thần không ngại khó em đã hoàn thành và thành công vượt những gì mong đợi”, Trí bồi hồi nói.

Bên cạnh nhiều kỷ niệm đẹp, chiến dịch cũng mang đến những bài học thực tiễn như tính kỷ luật, tinh thần làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và giải quyết tình huống linh hoạt.

“Nhóm đã đi qua 15 ngày đáng nhớ, vừa cống hiến, vừa lớn lên. Những chiến sĩ tại đảo cũng đã cho em cảm nhận được sức mạnh của việc đoàn kết, không khoảng cách nào trong công việc và sinh hoạt hằng ngày, 40 con người như hòa vào là một, buồn cùng buồn, vui cùng vui, ăn cùng ăn, làm cùng làm và cùng ngủ. Thật sự cảm ơn tháng 6, cảm ơn màu áo xanh của tuổi trẻ vì đã cho em nhiều cảm xúc, nhiều kinh nghiệm và nhiều cơ hội được học hỏi, rèn luyện để có một Trần Trung Trí tốt hơn những ngày trước”, Trí tự hào.

Hành trình tại Phú Quý không chỉ là những ngày lao động miệt mài, mà còn là chuỗi kỷ niệm đong đầy tình cảm. Nam sinh kể rằng, các em nhỏ trên đảo ngoan ngoãn, thân thiện, thường mang bánh trái đến tặng như một lời cảm ơn hồn nhiên. Có lần, một em nhỏ rụt rè xin mượn điện thoại của Trí để quay video nhắn gửi: “Anh Trí đừng quên tụi em nha”. Câu nói đơn sơ nhưng đã khiến nam sinh xúc động. Trí mong muốn, sau này các em lớn lên sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho quê hương và cho đất nước.

“Em rất trân trọng từng khoảnh khắc của mỗi hành trình xanh, hy vọng rằng mỗi sinh viên Việt Nam đều có thể khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ, để bản thân có cơ hội được cống hiến, được trưởng thành và được tô điểm bởi các hành trình tình nguyện ý nghĩa”, Trí gửi thông điệp đến các sinh viên trẻ.

dau-an-tuoi-tre-tu-dao-ngoc-den-xu-trieu-voi-2.jpg
Trung Trí (thứ hai từ phải qua) cùng đồng đội tại tuyến đường cờ Tổ quốc. Ảnh: NVCC

Vun đắp hữu nghị Việt - Lào

Trần Duy Tân - sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng mang trong mình tinh thần nhiệt huyết với công tác tình nguyện. Với Tân, chuyến đi tình nguyện Mùa Hè xanh tại CHDCND Lào không chỉ là một lần đóng góp cho cộng đồng, mà còn là hành trình của học hỏi, trải nghiệm và kết nối văn hóa.

Tại 2 tỉnh Attapeu và Champasak, Tân sơn vẽ, cải tạo lớp học và lắp đặt sân chơi thiếu nhi. Khi chứng kiến những bức tường loang lổ, lớp học xuống cấp và điều kiện còn thiếu thốn, em không chỉ thấy xót xa, mà còn có động lực muốn làm điều gì đó thật thiết thực cho nơi đây.

Dù việc cải tạo phòng học không phải là chuyên môn của sinh viên Công nghệ thông tin, nhưng Tân và các bạn đã dốc toàn tâm huyết vào từng nét vẽ, lớp sơn.

“Khoảnh khắc nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ khi bước vào lớp học mới, hay ánh mắt háo hức khi chơi đùa ở sân chơi do chính tay chúng em lắp đặt, trở thành động lực lớn nhất để em cảm thấy mọi mệt nhọc đều xứng đáng. Đó là một dấu ấn thật đẹp trong hành trình thanh xuân và tình nguyện tuổi trẻ của em, nơi mà mọi trái tim cùng hòa chung một nhịp, cùng hướng đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng, dù là ở bất kỳ nơi đâu”, Tân chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất với Tân là ngôn ngữ. Việc giao tiếp với trẻ em và bà con địa phương đôi khi bị gián đoạn, nhưng sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thông tin đã vượt qua bằng những ngôn ngữ chung của ánh mắt, nụ cười, cử chỉ đầy tính thân thiện. Tân học một vài câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng Lào và nhận được nhiều hỗ trợ từ các chị địa phương biết nói tiếng Việt. Dù đôi khi không hiểu trọn vẹn lời nói của nhau, nhưng chỉ cần một cái vẫy tay, một ánh mắt trìu mến hay một nụ cười ấm áp cũng đủ để kết nối những trái tim.

dau-an-tuoi-tre-tu-dao-ngoc-den-xu-trieu-voi-1.jpg
Tường Vy cùng các học sinh mình dạy tại Lào. Ảnh: NVCC

Sau gần 3 tuần tình nguyện tại Lào, Duy Tân cảm nhận rõ ràng bản thân đã trưởng thành hơn từng ngày. Đây là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, bởi môi trường mới, con người mới, mà còn bởi những giá trị mà em đã học được trong suốt hành trình ấy. Với sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thông tin, trách nhiệm cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt - Lào, không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là tình cảm, là sự sẻ chia giữa những người láng giềng thân thiết.

“Khi cùng các chiến sĩ Việt Nam mang đến những công trình, những hoạt động ý nghĩa cho người dân Lào, em hiểu rằng, mỗi hành động nhỏ hôm nay đều góp phần vun đắp cho mối quan hệ bền chặt ấy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, hòa bình và phát triển bền vững giữa hai nước.

Là một người trẻ, em tin rằng những chiến dịch tình nguyện quốc tế không chỉ là cơ hội để cống hiến sức trẻ, mà còn là hành trình quý giá để học hỏi, trưởng thành và kết nối với bạn bè năm châu. Mỗi vùng đất em đi qua, mỗi con người em gặp gỡ đều mang đến những bài học vô giá, làm đầy thêm hành trang tuổi trẻ”, nam sinh bày tỏ.

Bên cạnh Duy Tân, trên đất Lào năm nay còn có sự góp mặt của Nguyễn Ngọc Tường Vy - sinh viên năm 4 ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Mang trong mình tình yêu nghề và môn Tiếng Việt, Vy tham gia giảng dạy tại tỉnh Champasak, đây là điểm đến để lan tỏa tình hữu nghị song phương bằng chính chuyên môn của mình. Tại đây, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm TPHCM được phân công tổ chức 5 lớp học tiếng Việt cho hơn 120 học sinh.

“Em muốn mang chính sự hiểu biết về phương pháp giáo dục lồng ghép với tinh thần tình nguyện, góp sức nhỏ cho hoạt động giáo dục quốc tế”, Vy chia sẻ và cho biết, tại lớp Tiếng Việt sơ cấp, em giữ vai trò giáo viên chính, trực tiếp soạn bài, thiết kế hoạt động và giảng dạy cho học sinh người Lào.

dau-an-tuoi-tre-tu-dao-ngoc-den-xu-trieu-voi-3.jpg
Đêm nhạc Điểm hẹn Phú Quý cùng bà con trên đảo. Ảnh: NVCC

Thử thách lớn nhất với Vy chính là rào cản ngôn ngữ và chênh lệch tiếp thu của học sinh. Những em lần đầu làm quen với Tiếng Việt gặp khó khăn khi phát âm, nhận diện chữ cái và phân biệt thanh điệu. Trong khi đó, lớp học lại đông, đồ dùng trực quan còn hạn chế. Sau 2 - 3 buổi đầu bỡ ngỡ nghiên cứu và thích nghi, Vy đã linh hoạt sử dụng tranh ảnh, thẻ từ, trò chơi vận động và hợp tác với cô giáo người Lào để đảm bảo mỗi em đều theo kịp lớp.

“Em luôn nỗ lực gieo chữ bằng tất cả tâm huyết và sự kiên nhẫn”, Vy nói. Nữ sinh sư phạm đặc biệt tâm đắc với phương pháp dạy học trực quan kết hợp vận động, xem đó là điểm tựa cho sự hứng thú và hiệu quả học tập. Đây là kỹ thuật mà em mong muốn áp dụng lâu dài trong sự nghiệp sau này, đặc biệt với đối tượng học sinh chưa dùng Tiếng Việt làm tiếng mẹ đẻ.

Khoảnh khắc Vy nhớ nhất trong chuyến đi khi học sinh địa phương đồng thanh hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và vẫy cờ Việt - Lào trong lễ đón đoàn thanh thiếu nhi tại Trường Tiểu học Hữu nghị Việt - Lào (Champasak).

“Dù còn nhỏ và không nói giỏi tiếng Việt, nhưng ánh mắt rạng rỡ, giọng hát trong trẻo cùng những cánh tay vẫy cờ như thể hiện trọn vẹn sự chân thành và gắn bó giữa hai dân tộc”, Vy cảm nhận rõ vai trò của mình không chỉ là người truyền dạy tri thức, mà còn là đại sứ vun đắp cầu nối văn hóa giữa hai dân tộc. Chỉ cần chân thành và tâm huyết, Vy tin rằng sự kết nối sẽ tự nhiên được hình thành.

dau-an-tuoi-tre-tu-dao-ngoc-den-xu-trieu-voi-5.jpg
Đoàn tình nguyện giao lưu cùng các học sinh tại lớp học. Ảnh: NVCC

Gửi gắm niềm tin

Tại Lễ xuất quân chiến dịch tình nguyện hè ở CHDCND Lào năm 2025, anh Lương Sĩ Nhân - Phó Chỉ huy thường trực chiến dịch khẳng định, những hoạt động của mùa Hè năm nay không chỉ mang lại giá trị thiết thực cho người dân nước bạn, mà còn là hành trình giáo dục sâu sắc, giúp mỗi chiến sĩ trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn và tự hào hơn khi mang trong mình màu áo thanh niên tình nguyện TPHCM.

Năm 2025 đánh dấu 21 năm tuổi trẻ thành phố đồng hành cùng đất nước Lào và cũng là năm chiến dịch được mở rộng quy mô cả về địa bàn lẫn nội dung. Ngoài 2 tỉnh truyền thống Champasak và Attapeu, hoạt động năm nay còn lan tỏa đến Xê-kong và Salavan, với lực lượng 103 chiến sĩ từ 3 đội hình: Mùa Hè xanh, Kỳ nghỉ hồng và Hội Thầy thuốc trẻ, tập trung cho hàng loạt nội dung chuyên sâu như dạy học, khám bệnh, tập huấn nghề, xây dựng hạ tầng và giao lưu văn hóa.

“Thành công của chiến dịch không thể thiếu tinh thần xung kích, sáng tạo và bền bỉ của từng chiến sĩ. Các bạn chính là đại diện của tuổi trẻ TPHCM, một thế hệ không ngại khó, sẵn sàng mang sức trẻ đến vùng đất xa xôi vì sự phát triển chung và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào”, anh Nhân nhấn mạnh.

Đánh giá về chiến dịch tại đặc khu Phú Quý, anh Lê Đức Đạt - Chỉ huy trưởng các hoạt động tình nguyện hè tại nơi đây cho biết, năm 2025, chiến dịch Mùa Hè xanh tại đảo Phú Quý được mở rộng quy mô, thu hút 40 chiến sĩ không chỉ đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố, mà còn có sự tham gia của các chiến sĩ Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore và các sinh viên quốc tế đang lưu trú tại Ký túc xá sinh viên Lào.

Đây là minh chứng cho sức lan tỏa của tinh thần tình nguyện và khả năng kết nối quốc tế ngày càng sâu rộng của tuổi trẻ thành phố. Sự tin tưởng từ Ban Chỉ huy là động lực để mỗi chiến sĩ vững vàng tiến bước, vượt qua thử thách và tạo nên những dấu ấn đậm nét trong lòng cộng đồng địa phương, cũng như trong chính hành trang trưởng thành của mình.

Chúng ta không thể để thanh xuân trôi qua một cách vô nghĩa. Hãy đi, để thấy thế giới rộng lớn ra sao. Đi để hiểu rằng mình may mắn như thế nào và đi để tự hào khi được góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của người trẻ Việt Nam đến quốc tế. Nếu có cơ hội, đừng ngần ngại dấn thân, bởi chính những chuyến đi như thế này sẽ là dấu ấn đẹp đẽ và không thể quên trong thanh xuân của mỗi người. - Trần Duy Tân - Chiến sĩ tình nguyện tại CHDCND Lào

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dau-an-tuoi-tre-tu-dao-ngoc-den-xu-trieu-voi-post741602.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dau-an-tuoi-tre-tu-dao-ngoc-den-xu-trieu-voi-post741602.html
Bài liên quan
Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm TPHCM ra quân Mùa hè xanh 2025
Sáng 6/7, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức Lễ ra quân Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh lần thứ 32 năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn tuổi trẻ từ đảo ngọc đến xứ Triệu Voi