Mỗi dịp hè về, thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học căng thẳng, nhiều gia đình lại rơi vào một 'cuộc chiến âm ỉ' mang tên: cha mẹ kèm con học tại nhà.
Trong bối cảnh siết chặt dạy thêm, học thêm, đặc biệt ở những khu vực không có trung tâm bồi dưỡng kiến thức, áp lực này càng trở nên rõ nét.
Không ít phụ huynh chia sẻ rằng mùa hè khiến họ mệt mỏi hơn cả trong năm học. Tan làm buổi chiều, chưa kịp nghỉ ngơi, họ lại phải lật sách, dò bài, ngồi cạnh con để nhắc nhở từng phép tính, từng đoạn văn bởi lo sợ con bị tụt lại so với bạn bè, sợ con quên kiến thức.
Trong khi đó, trẻ em sau một năm học đầy áp lực chỉ mong được tự do chơi đùa, nghỉ ngơi đúng nghĩa. Sự khác biệt về kỳ vọng giữa người lớn và trẻ nhỏ dễ dẫn đến căng thẳng, bất hòa khiến mùa hè trở thành "cuộc chiến trong nhà".
Em Kim Phát, học sinh lớp 4 tại Quảng Ngãi, chia sẻ thật thà: "Sau một năm học em chỉ muốn nghỉ ngơi, nhưng mẹ lại bắt ôn bài nên em thấy hơi khó chịu. Mỗi khi học, mẹ hay mắng nên em không muốn học nữa, chỉ muốn đi chơi với bạn".
Chị Lê Kim Thảo, một phụ huynh tại TP.HCM, cho hay bình thường hai mẹ con rất hòa thuận, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần vào bàn học lại không hiểu được vấn đề, rồi xảy ra nhiều cãi vã. Kết thúc buổi học thường là trong nước mắt. "Vì vậy trước đây tôi hay cho con đi học thêm để tránh những xung đột không đáng có" - chị Thảo nói.
Câu chuyện của chị Thảo lộ ra một thực tế khá phổ biến: khi việc học trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trong gia đình, nhiều phụ huynh buộc phải tìm đến giải pháp "học thêm" không chỉ để con tiến bộ, mà còn để gìn giữ sự yên ấm trong nhà.
Theo chuyên gia tâm lý - TS Nguyễn Thị Thu Hiền, để nuôi dạy con hiệu quả, cha mẹ không chỉ là người hướng dẫn mà còn cần trở thành người bạn đồng hành của con. Điều quan trọng đầu tiên là lắng nghe chủ động và phản hồi tích cực.
Khi trẻ chia sẻ về lỗi sai hay mâu thuẫn, cha mẹ nên kiên nhẫn lắng nghe đến cùng, không ngắt lời, không phủ nhận cảm xúc của con. Thay vì chỉ chăm chăm vào việc truy tìm đúng sai, hãy hỏi: "Con cảm thấy thế nào?", "Con mong muốn điều gì sẽ xảy ra?"...
Bà Hiền cũng lưu ý cách trao đổi, nói chuyện trong gia đình. Những câu nói tưởng chừng vô hại như "sao con dở vậy", "con hư quá" có thể tạo ra tổn thương dài lâu. Thay vào đó, hãy sử dụng lời nói mang tính hỗ trợ như: "Việc này chưa ổn lắm, nhưng mình cùng sửa nhé", hoặc "Con đang gặp khó khăn chỗ nào, bố mẹ có thể giúp không?".
"Một môi trường giao tiếp tích cực sẽ giúp trẻ xây dựng được nền tảng tự tin, thay vì cảm giác mặc cảm hay phản ứng tiêu cực" - bà Hiền tư vấn.
Tương tự, TS Nguyễn Thị Diệu Anh - giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng sự hợp tác của trẻ không đến từ áp đặt, mà là kết quả của một quá trình đồng hành lâu dài, kiên nhẫn và nhất quán.
Theo bà Diệu Anh, muốn con nghe lời, hợp tác, trước hết cha mẹ cần dành thời gian thực sự chất lượng cho con. Với trẻ nhỏ, thời gian ấy là những khoảnh khắc vui chơi cùng nhau. Với trẻ lớn hơn, đặc biệt là tuổi vị thành niên, đó là lúc trò chuyện, chia sẻ, nơi con cảm nhận được sự tin tưởng và tôn trọng từ cha mẹ.
Một yếu tố quan trọng khác là vai trò làm gương. Trẻ học cách cư xử phần lớn qua việc quan sát người lớn. Nếu cha mẹ giao tiếp lịch sự, tôn trọng, dùng ngôn ngữ tích cực với con, thì chính những điều ấy sẽ trở thành khuôn mẫu hành vi mà trẻ tiếp nhận và tái hiện.
Bên cạnh đó, khi đưa ra yêu cầu, cha mẹ nên giải thích rõ lý do để con hiểu "vì sao cần làm điều này" chứ không chỉ "làm vì ba mẹ nói vậy". Khi trẻ thực hiện đúng, việc kịp thời ghi nhận, khích lệ sẽ giúp trẻ nhận ra hành vi tích cực nào được mong đợi, từ đó phát triển lòng tự trọng và động lực nội tại.
Cuối cùng, tình yêu thương cần đi kèm với nguyên tắc. Việc thiết lập những quy định rõ ràng, phù hợp với độ tuổi sẽ giúp trẻ hiểu ranh giới hành vi, từ đó rèn luyện tính kỷ luật, khả năng tự kiểm soát và dần hình thành các giá trị đạo đức.
Chia sẻ về kế hoạch hè dành cho con gái, anh Trương Hoàng Khoa (TP.HCM) cho biết thay vì ép con học thêm dày đặc, anh lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, chú trọng vào việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong môi trường thoải mái.
"Chúng tôi gồm một nhóm phụ huynh đã cùng nhau tập hợp khoảng 4-5 bạn nhỏ, sau đó mời người nước ngoài về trò chuyện cùng các con theo từng chủ đề cụ thể. Các buổi học không có vở ghi, không điểm số, không áp lực, chỉ đơn giản là cùng nhau nói chuyện, cùng rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh một cách tự nhiên", anh Khoa chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Diệu Anh cho rằng cha mẹ cần hiểu đúng và đầy đủ hơn về khái niệm "học". "Học không chỉ là ghi nhớ kiến thức trong sách vở. Học còn là quá trình phát triển trí tuệ, cảm xúc, nhân cách và kỹ năng sống như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý cảm xúc và hành vi, đối mặt với thất bại...", bà phân tích.
Vì vậy, mùa hè không nên bị giới hạn trong các lớp học thêm hay lịch học dày đặc. Đây là khoảng thời gian quý báu để trẻ được học theo cách của riêng mình, từ những hoạt động đời thường như nấu ăn với cha mẹ, chơi thể thao, phụ giúp việc nhà, cho đến tham gia hoạt động ngoài trời, thiện nguyện hoặc học một kỹ năng mới.
Tương tự, TS Giang Thiên Vũ - giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cũng cho rằng hè là cơ hội quý giá để phát triển toàn diện các kỹ năng sống, cảm xúc và tư duy phản biện.
Ông Vũ đề xuất các hoạt động thiết thực như xây dựng thói quen tự lập qua việc lên kế hoạch tuần và làm việc nhà phù hợp; phát triển năng lực cảm xúc xã hội bằng cách tổ chức các buổi trò chuyện, chia sẻ cảm xúc và đọc kể chuyện; kích thích tư duy sáng tạo và phản biện thông qua các trò chơi chiến lược, dự án nhỏ và quan sát thiên nhiên; tham gia các hoạt động trải nghiệm cộng đồng và thiện nguyện...