Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TPHCM nhìn nhận, về quy định đấu giá biển số xe ô tô tại Việt Nam đang được áp dụng khá chặt chẽ. Việc đấu giá biển số xe ô tô thời gian qua được nhân dân ủng hộ do đáp ứng được nhu cầu chơi biển số cũng như thu hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Các quy định trong việc đấu giá, quản lý biển số đấu giá biển số xe máy hoàn toàn có thể áp dụng như việc đấu giá xe ô tô đã được ban hành trước đó. Tuy nhiên, so với biển số ô tô, kho biển số xe máy lớn hơn khoảng 10 lần vì có thêm 1 ký tự trong dãy số.
Song, do giá trị thấp cùng một số đặc điểm riêng về thói quen sử dụng nên việc đấu giá biển số xe máy được giới chuyên môn nhận định sẽ khó có thể thu về được nhiều tiền như đối với biển số ô tô.
“Đấu giá biển số xe máy sẽ thu hút nhiều người tham gia do giá khởi điểm rẻ, giá trị của biển số đấu giá dự kiến cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều. Do vậy, website đấu giá trực tuyến rất dễ bị quá tải vì số lượng biển số xe máy và người truy cập cùng một thời điểm sẽ rất lớn. Do vậy, cần nâng cấp hạ tầng đấu giá trực tuyến cũng như cải thiện năng lực phục vụ, cấp biển số trước khi triển khai chính thức”, luật sư Bình nêu quan điểm.
Theo luật sư Bình, việc tham gia phiên đấu giá người tham gia phải nộp tiền đặt cọc và việc đặt cọc này là điều kiện bắt buộc để được tham gia phiên đấu giá, quy định này áp dụng đối với tất cả tài sản mang ra đấu giá chứ không riêng gì đối với việc đấu giá biển số xe.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Sương, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng nhận định, bỏ cọc là một trong những vấn đề cần rút kinh nghiệm và tìm biện pháp giải quyết triệt để, sau thời gian thí điểm đấu giá biển số ô tô vừa qua.
Thực tế cho thấy nếu trúng đấu giá rồi bỏ cọc, người tham gia đấu giá chỉ mất tiền đặt cọc, không chịu chế tài nào khác. Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến người tham gia đấu giá dễ dàng bỏ cọc, nhất là những người có mục đích không vì đấu giá được biển số.
Luật sư Nguyễn Sương kiến nghị, xem xét công nhận kết quả đấu giá đối với người trả giá cao thứ hai, thứ ba, trong trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Lợi ích của giải pháp này là không cần tổ chức lại phiên đấu giá khác, tiết kiệm chi phí cho cả đơn vị tổ chức đấu giá và cơ quan giám sát đấu giá.
Đồng thời, chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, cần nghiên cứu chế tài đối với người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc; ngoài mất tiền đặt cọc thì còn bị xử phạt hành chính, đồng thời cấm tham gia đấu giá trong thời gian 1 - 2 năm tiếp theo.