Chỉ tiêu thậm chí cụ thể đến từng môn học và với môn kết quả thi những năm trước còn thấp được quan tâm, quyết tâm cao hơn. Tổ chức dạy học bám sát đối tượng và định hướng tư tưởng, tinh thần cầu tiến tạo động lực học tập tích cực cho học sinh được chú trọng ngay từ tiết học đầu tiên. Các sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra chuyên môn, đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch dạy học của các nhà trường...
Ngay cả kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cũng được xây dựng từ đầu năm học; rõ ràng về thời gian, nội dung, phương pháp, người thực hiện, nguồn kinh phí dự trù...
Trong đó, điểm chung là các trường đều phân hóa học sinh để có phương án ôn tập và phụ đạo thích hợp; lựa chọn giáo viên dày dạn kinh nghiệm, có năng lực phụ trách dạy học khối lớp 12; chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, quan tâm đến đánh giá thực chất để có chất lượng đầu ra; sớm xây dựng ngân hàng đề để ôn tập, phụ đạo cho học sinh; chú trọng kiểm tra, giám sát tăng cường kỷ cương trong quản lý dạy và học… Một số trường còn quan tâm, có cơ chế, chính sách thỏa đáng tạo động lực cho đội ngũ giáo viên ôn thi tốt nghiệp THPT.
Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ là nền tảng quan trọng để tổ chức kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm 2025. Mục tiêu “đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” như yêu cầu trong Nghị quyết 29 đã được thực hiện và tiếp tục phát huy hiệu quả trong giai đoạn mới.