Đầu tư cho giáo dục: Luật đã có, sao khó thực hiện?

26/06/2022, 22:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Việc giảm tỷ lệ chi đầu tư cho giáo dục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Do đó, tăng chi giáo dục, đào tạo lúc nào cũng cần thiết. TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Tiềm ẩn bất công trong tiếp cận

- Trong bối cảnh toàn ngành thực hiện đổi mới giáo dục, tăng chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục theo Luật Giáo dục năm 2019 là cần thiết?

- Đúng vậy. Việc ấn định tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục là 20% dựa trên tính toán định mức suất đầu tư trên đầu học sinh, sinh viên cũng phải đảm bảo những cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định. Ngoài ra, tăng chi giáo dục, đào tạo lúc nào cũng cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là phải đánh giá lại cơ cấu chi và tỷ trọng cụ thể.

Khi nguồn ngân sách Nhà nước có hạn thì việc đánh giá hiệu quả để đảm bảo các khoản chi phù hợp với nhu cầu, đáp ứng tốt nhất mục tiêu nâng cấp chất lượng giáo dục, đào tạo rất quan trọng. Chưa kể việc phối hợp giữa các nguồn ngân sách Nhà nước, ODA, huy động đóng góp doanh nghiệp và xã hội hóa từ người học, cần có cơ chế rất rành mạch, rõ ràng mới đảm bảo tính hiệu quả và tránh lãng phí, thậm chí là những hành vi trục lợi.

- Thực tế cho thấy, mức chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng ngân sách Nhà nước chưa bao giờ đạt. Theo TS, việc này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng GD-ĐT của ngành?

- Vì bất cứ lý do nào, việc giảm tỷ lệ chi thực tế nhiều năm qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục như nhiều chuyên gia đã phân tích. Cụ thể: Ngân sách chi thường xuyên thấp dẫn đến đời sống giáo viên không đảm bảo, khó tâm huyết và phát sinh tiêu cực như dạy thêm trực tiếp cho học sinh lớp mình. Ngoài ra, vì ngân sách thấp nên chi thường xuyên chủ yếu dành chi cho quỹ lương và chế độ chính sách. Chi phát triển con người và chi bổ sung trang thiết bị đồ dùng học tập hạn chế.

Bên cạnh đó, hệ quả của ngân sách Nhà nước không đáp ứng trong nhiều lĩnh vực, buộc lòng phải đẩy nhanh, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và tăng mức đóng góp của người học, gia đình. Mức chi tiêu tư nhân cho 1 đầu học sinh, sinh viên tăng từ khoảng 4 triệu đồng (năm 2012) lên 7 triệu (năm 2020). Điều này có thể gây bất bình đẳng giáo dục và khả năng tiếp cận giáo dục của một bộ phận học sinh, sinh viên!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Các nguồn chi đầu tư thấp nên cơ sở vật chất trường học nhiều nơi còn chưa đáp ứng tiêu chuẩn/điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, chi cho lĩnh vực đào tạo bậc cao, nhất là đại học rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế cũng như phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. - TS Nguyễn Quốc Việt

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dau-tu-cho-giao-duc-luat-da-co-sao-kho-thuc-hien-post598546.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dau-tu-cho-giao-duc-luat-da-co-sao-kho-thuc-hien-post598546.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư cho giáo dục: Luật đã có, sao khó thực hiện?