Đổi mới phương pháp, vận dụng các kỹ thuật dạy học tích cực, phù hợp việc phát triển năng lực, phẩm chất; hướng dẫn, yêu cầu học sinh luôn có tư duy phản biện bằng cách phản biện, bảo vệ ý kiến của cá nhân/nhóm, chất vấn ý kiến của bạn/nhóm bạn….
Việc tổ chức cho giáo viên tiểu học, THCS nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình, phương pháp dạy học ở lớp 5, lớp 6 đã được các nhà trường ở hai cấp học phối hợp triển khai. Các trường tiểu học hướng dẫn giáo viên dạy lớp 5 làm bản đánh giá cụ thể về một số học sinh (hoàn cảnh, năng lực, sức khỏe…), bàn giao cho giáo viên dạy lớp 6 để nắm bắt tình hình học sinh, thấu hiểu học sinh trước khi vào dạy học.
Bà Thái Thị Hương (Phòng GD&ĐT Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Khi tiếp nhận các văn bản của sở về việc tổ chức dạy học lớp 5 đáp ứng Chương trình GDPT 2018 và tham gia tập huấn cấp tỉnh, phòng đã triển khai tập huấn cấp huyện và đặc biệt là chỉ đạo, hướng dẫn các trường, cụm liên trường nghiêm túc thực hiện nội dung Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH và rà soát xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo phụ lục của Công văn 3799/BGDĐT-GDTH đối với lớp 5.
Bên cạnh đó, phòng cử giáo viên cốt cán để tham dự các buổi sinh hoạt cụm trường để lắng nghe, hướng dẫn nội dung, tổ chức dạy học lớp 5 theo yêu cầu của sở, Bộ GD&ĐT. Tất cả đơn vị đều tổ chức cho giáo viên lớp 5, lớp 6 trao đổi về chương trình, phương pháp dạy học cơ bản ở các lớp/môn của mình dạy để có thể nắm bắt, điều chỉnh tiệm cận lẫn nhau, tạo thuận lợi, bù đắp “điểm chênh” cho học sinh lớp 5 lên lớp 6”.
Việc điều chỉnh nội dung nghe - ghi ở môn Tiếng Việt, theo thầy Lê Huy Chinh (Trường Tiểu học Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn), các em đã tự ghi nội dung mình cảm thấy hay, thiết thực, ý nghĩa mà không cần đến việc đọc - chép của giáo viên; việc sử dụng vở kẻ ngang ngay vào học kỳ II giúp học sinh giảm thói quen nắn nót chữ qua ô ly mà vẫn đảm bảo được tốc độ viết và nét chữ đẹp. Các em sử dụng hiệu quả một số cách ghi để tự mình tóm tắt, hiểu được nội dung của bài học…
Hiệu quả của việc điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức và các giải pháp khác ở lớp 5 tại các trường tiểu học nhằm đáp ứng Chương trình GDPT 2018 đã được thấy rõ qua đánh giá của một số giáo viên dạy lớp 6 ở trường THCS. Cô Võ Thị Hợp (Trường THCS Đậu Quang Lĩnh, huyện Đức Thọ) chia sẻ: “Việc học Tập làm văn các em đã vận dụng, tiếp cận khá tốt ngay từ đầu năm học, không lúng túng như những năm học trước; kỹ năng đọc của nhiều học sinh khá tốt”.
“Các em đã vượt qua sự lúng túng, viết chậm ban đầu và bắt nhịp khá nhanh ở ngay đầu học kỳ I”, cô Lưu Thị Loan (Trường THCS Chu Văn An, Hương Khê) đánh giá đồng thời khẳng định: Do có sự tiếp cận ở lớp 5 nên các em nắm được kiến thức, cách tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của mỗi giáo viên.
Cô Đặng Thành Vinh (Trường THCS Đại Thành, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Phần lớn học sinh lớp 6 chủ động tiếp cận Chương trình GDPT 2018. Các em tự tin trong học tập, mạnh dạn phát biểu ý kiến, hoàn thành các bài tập. Học sinh có tinh thần hợp tác tốt, nhiều em sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao từ giáo viên. Khả năng tự đọc hiểu dần được nâng cao nên trò khá hào hứng, hăng say tìm hiểu, xây dựng bài. Năng lực nói và nghe, kỹ năng nói, thuyết trình đã tốt hơn nhiều, các em đã mạnh dạn thể hiện chính kiến của bản thân, chủ động theo dõi để đưa ra những nhận xét, đưa ra câu hỏi thắc mắc khi nghe bạn trình bày.
Chia sẻ kinh nghiệm tiếp nhận lứa học sinh chuyển cấp, chuyển chương trình, cô Vinh trao đổi: Đầu năm học, dựa trên bản đánh giá của giáo viên dạy lớp 5, giáo viên dạy ở lớp 6 phải gần gũi, quan tâm, động viên một số học sinh khi viết còn chậm, đọc hiểu còn hạn chế, ít chú ý tự học và thiếu tích cực, tự giác trong học tập để giúp các em tiếp cận bài học tốt hơn.
Với thuận lợi của trường liên cấp, sau 2 năm nhận học sinh chuyển cấp, cô Trần Thị Thanh Hương (Trường TH&THCS Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh) rút ra bài học: Khi mới vào học các em còn rụt rè nên thường đang sa vào đọc, chưa trình bày được đúng yêu cầu của ngôn ngữ nói; chưa phối kết hợp tốt với các điệu bộ cử chỉ để diễn đạt điều mình muốn trình bày; chưa thành thạo trong việc lập được dàn ý chi tiết cho một bài văn…
Tuy nhiên, do đã được nắm bắt về nội dung, phương pháp dạy học ở lớp 5 nên giáo viên dạy lớp 6 chủ động điều chỉnh, hỗ trợ để các em tiếp cận được nhanh chóng hơn. Vậy nên, sau thời gian ngắn, các em đã mạnh dạn hơn khi trao đổi ý kiến, ngữ điệu nói tốt hơn, lưu loát hơn khi trình bày kết quả học tập của cá nhân cũng như của nhóm….
Kỹ năng lập dàn ý chi tiết cho bài văn và sức viết cũng tốt hơn. Đặc biệt là các em đã biết nói - nghe tương tác trong từng giờ học nên nhiều năng lực, phẩm chất được hình thành. Học sinh đã tích cực, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập ở lớp cũng như ở nhà. Tình trạng học thụ động, đối phó đã được cải thiện rõ rệt.
Qua ý kiến của một số giáo viên dạy tại lớp 6 trường THCS ở Hà Tĩnh, đặc biệt là sự tiến bộ của học sinh cho thấy hiệu quả công tác chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn giáo viên các cơ sở giáo dục tiểu học. Học sinh bước vào lớp 6 theo chương trình mới với sự tự tin, hòa nhập tốt với trường lớp, thầy cô. Đây là tín hiệu vui, minh chứng làm vơi đi những trăn trở, lo lắng của xã hội và trả lời cho câu hỏi về giải quyết vấn đề học sinh học chương trình cũ sang chương trình mới như thế nào.