Ngoài trở ngại nêu trên, cán bộ, giáo viên công tác xã đảo An Sơn còn gặp khó trong việc đào tạo chuyên môn, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ. Theo thầy Phan Phúc Luận, ở trường có môn học chỉ 1 giáo viên đảm nhiệm nên muốn đăng ký đi tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ rất khó. Nếu đăng ký thì không có người dạy thay thế. Mặt khác, điều kiện đi lại bất tiện, nên muốn đi học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cả giáo viên và ban giám hiệu đều đắn đo.
Những năm qua dù được cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhưng hiện các điểm trường ở xã đảo An Sơn chưa có phòng học đa năng và phải sử dụng chung dẫn đến nhiều bất tiện. Điểm chính có phòng chức năng được trang bị nhưng chưa đầy đủ. Cấp học mầm non còn thiếu giáo viên…
Dù trường, lớp từng bước được đầu tư kiên cố, nhưng khi bước vào mùa mưa bão, giáo viên, học sinh các điểm trường xã đảo An Sơn vẫn nơm nớp lo sợ giông, lốc.
“Ở đây mùa mưa bão, gió thổi rất mạnh, trường nằm trên đồi cao, nhiều lúc mưa lớn kèm sấm chớp, trẻ mầm non còn nhỏ nên dễ hoảng sợ. Khi đó cô giáo chỉ biết ngồi ôm chặt lấy trẻ vào lòng”, cô Nguyễn Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Sơn chia sẻ.
Lớp học ở Trường Tiểu học An Sơn. |
Thầy Hoàng Ngọc Tỉnh - giáo viên Trường Tiểu học An Sơn có những phút giây vui tươi cùng học trò. (Ảnh tư liệu) |
Dù còn nhiều khách thức, nhưng chất lượng, thành tích giáo dục tại các điểm trường trên xã đảo An Sơn đạt được không kém nhiều so với các trường trong đất liền tỉnh Kiên Giang.
Cô Nguyễn Thị Huỳnh Tâm - quyền Hiệu trưởng Trường THCS An Sơn chia sẻ, hầu hết giáo viên nhà trường nhiệt huyết với nghề, không ngừng nỗ lực vượt khó để nâng cao chất lượng dạy và học. Hằng năm, trường có giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh và đoạt giải.
Cô Đặng Thị Hoài - giáo viên Trường THCS An Sơn vừa đoạt giáo viên giỏi cấp huyện, chia sẻ: Muốn trò giỏi thì trước tiên thầy phải giỏi, thế nên bản thân luôn học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh tốt nhất.
Là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thầy Phan Phúc Luận luôn xác định càng khó khăn càng phải phấn đấu để góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục, chất lượng dạy học giữa vùng hải đảo với đất liền.
“Với những nỗ lực cống hiến hết mình của cán bộ, giáo viên, tinh thần vượt khó của học sinh, Trường THCS An Sơn nhiều năm liền có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đạt 100%; hằng năm có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.
Đó chính là nguồn động lực lớn để cán bộ, giáo viên xã đảo An Sơn tiếp tục vượt khó bám trường, đảo gieo chữ giữa biển trời Tổ quốc”, cô Nguyễn Thị Huỳnh Tâm - quyền Hiệu trưởng Trường THCS An Sơn chia sẻ.
“Những năm gần đây, chất lượng giáo dục tại các xã đảo trên quần đảo Nam Du nói chung, xã đảo An Sơn nói riêng không ngừng nâng lên. Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng các cấp học chiếm khoảng 95%, học sinh giỏi chiếm khoảng 30%. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đóng góp của cán bộ, giáo viên trên các xã đảo.
Ngành Giáo dục địa phương ghi nhận và tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn để cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, hết lòng, dốc sức vì sự nghiệp “trồng người” nơi đầu sóng”, ông Võ Hồng Phú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang chia sẻ.