“Nắm được tâm lý này, tới đây trường sẽ đẩy mạnh thông tin số F0, F1 giáo viên học sinh hàng ngày (nếu có) để phụ huynh yên tâm cho trẻ tới trường. Tránh thiếu thông tin dẫn tới thiệt thòi học tập trực tiếp của trẻ…”, cô Thanh nói.
Duy trì chất lượng dạy học
Chia sẻ giải pháp kéo trò tới lớp, theo cô Nguyễn Thị Hồng, một mặt, trường báo cáo tình hình học sinh nghỉ học lên chính quyền địa phương để cùng vào cuộc, chỉ đạo các thôn bản phối hợp vận động tuyên truyền. Mặt khác, qua nhóm Zalo của xã (trong đó có bí thư chi bộ và trưởng thôn bản) thông báo cụ thể từng trường hợp học sinh nghỉ học, lý do nghỉ học, không có lý do nghỉ học…
Với gia đình học sinh ở thôn bản không có sóng điện thoại, giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm xuống tận nhà để tuyên truyền, vận động giúp phụ huynh hiểu và chủ động đưa trẻ trở lại trường học tập.
Công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp không chỉ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia hàng ngày, hàng tuần mà mời cả phụ huynh cùng vào cuộc để trực tiếp chứng kiến và yên tâm trong việc kiểm soát và phòng dịch tại trường lớp.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng, thầy cô vào cuộc vận động bằng cách: Viết bản tin tuyên truyền về trường lớp, trong đó nêu rõ số lượng học sinh F0, F1 để phụ huynh biết; Phân tích hạn chế nếu phụ huynh cho con nghỉ học dài ngày, không đảm bảo học tập, không hoàn thành chương trình… và phụ huynh hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu học sinh không được lên lớp… Bản tin được chính quyền xã cử người dịch sang tiếng dân tộc và phát loa tới tất cả thôn bản.
“Với cách tuyên truyền này, nhiều phụ huynh chần chừ không muốn con đi học vì chưa nắm rõ thực tế dịch bệnh đã chuyển biến tích cực bởi sợ con phải học lại. Một số trước đây “khăng khăng” cho trẻ nghỉ học cũng dần hiểu vấn đề và cho con đi học…”, cô Hường cho hay.
Vấn đề tổ chức dạy học sau khi học sinh nghỉ học phòng chống dịch được cô Hường trao đổi: Theo quy định của tỉnh Lào Cai, nếu lớp duy trì trên 70% sĩ số thì dạy bài mới, dưới 70% thì ôn tập và dạy bù. Do đó, thời điểm số học sinh trong lớp nghỉ cách ly, phòng dịch nhiều, lớp chỉ còn 7 - 8 học sinh học trực tiếp, trường chuyển sang ôn tiếng Việt trên máy qua trò chơi Trạng nguyên tiếng Việt; rèn chữ viết; hoặc với học sinh khối 5 thì ra đề cho các em ôn luyện thi vào lớp 6 trường nội trú.
“Việc dạy học cần được duy trì, linh hoạt bởi học sinh dân tộc học bằng ngôn ngữ thứ 2. Nếu lớp có F0 cho nghỉ hết ở nhà, các em không có điều kiện học trực tuyến, nghỉ lâu quên kiến thức. Do đó có khối lớp đang học chương trình ở tuần 25, nhưng có lớp lại học chương trình ở tuần 22…”, cô Hường trao đổi.
Thầy Phạm Văn Mạnh dạy học tại điểm trường Suối Hộc, Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) trao đổi: 2 giáo viên dạy điểm trường đều diện F0 nên học sinh tạm nghỉ để cách ly phòng dịch. Tuy nhiên, dự tính được thầy Mạnh đặt ra trong việc dạy lớp ghép (lớp 1, 2 với 15 học sinh) của mình là phân loại học sinh theo nhóm, dạy chậm và củng cố lại bài và kiến thức cơ bản, song song đó dạy kiến thức mới nhưng không dồn ép.