Ngành học quen thuộc này được dự báo sẽ giữ vị trí đứng đầu trong những ngành nghề có mức thu nhập cao nhất vào năm 2024.
Câu chuyện về thu nhập sau khi tốt nghiệp luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm từ nhiều người, thậm chí một số còn xem đây như "thước đo" cho mục tiêu nghề nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào năng lực làm việc, cũng như sự chủ động của mỗi cá nhân trước các cơ hội.
Ra đời và phát triển đã lâu, Tài chính - Ngân hàng vẫn nhận được sự quan tâm từ nhiều học sinh, phụ huynh trong các kỳ thi tuyển sinh. Đây cũng được đánh giá là ngành học sẽ không lỗi thời bởi nhu cầu cao về nhân sự, cũng như đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của nhiều doanh nghiệp, công ty.
Ngành học được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển với nhiều cơ hội việc làm
Tài chính - Ngân hàng là ngành nghề cung cấp dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ qua ngân hàng và một số công cụ tài chính khác trong phạm vi trong - ngoài nước. Ngành học là phạm trù khá rộng với lượng kiến thức "khổng lồ" về ngân hàng, toàn chính thuế, tài chính doanh nghiệp, kinh tế học...
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều sự biến động, ngành học này được đánh giá khá tiềm năng bởi nhu cầu quản lý về tài chính ngày càng tăng cao ở các cá nhân và doanh nghiệp. Mặc dù không phải ngành học quá mới mẻ nhưng Tài chính - Ngân hàng vẫn giữ được ưu thế của mình trong suốt nhiều năm qua.
Ngành học này được dự đoán sở hữu mức lương cao nhất trong năm 2024
Theo số liệu thực tế và phân tích dự đoán của chuyên gia ManpowerGroup Việt Nam, lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng được dự báo giữ vị trí đứng đầu trong những ngành nghề có mức lương cao nhất. Cùng với đó là cơ hội việc làm đa dạng với nhiều vị trí khác nhau tại các doanh nghiệp, công ty...
Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế cũng dự báo đến năm 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành Tài chính - Ngân hàng tăng 20%/năm. Chỉ tính riêng khu vực TP.HCM, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này chiếm tỷ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) vị trí việc làm cần tuyển, trong đó trình độ đại học và cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.
Sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến lĩnh vực
Với đặc thù công việc liên quan đến tính toán, số liệu một cách chính xác và đầy đủ, ngành học này cũng mang đến không ít áp lực trong quá trình học tập và làm việc. Tài chính - Ngân hàng cũng đòi hỏi sinh viên phải có khả năng tư duy logic, phân tích và tổng hợp… Bên cạnh đó, người học cũng cũng cần có kiến thức nền tảng về toán học, kinh tế…
Chương trình học của Tài chính - Ngân hàng cũng đa dạng và bao gồm trong nhiều lĩnh vực khác nhau với một số môn cơ bản như: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Kế toán, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính công... Và các môn chuyên ngành nổi bật như: Tài chính tiền tệ, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính quốc tế, Ngân hàng thương mại...
Tài chính - Ngân hàng cũng có một số yêu cầu bởi tính đặc thù của mình
Tài chính - Ngân hàng thường sẽ được giảng dạy về chuyên môn trong khoảng 4 năm, sinh viên có thể thực tập tại một số doanh nghiệp liên quan trước khi tốt nghiệp. Ngành học này cũng đòi hỏi nhiều tố chất của người học bởi một số đặc thù về chuyên môn, đặc biệt là tính cẩn thận, quản lý thời gian và kỹ năng xử lý thông tin...
Ngành học này được xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau, chủ yếu qua các khối: A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Tiếng Anh), D01 (Toán - Văn - Tiếng Anh)... Thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học lớn tại nước ta cũng đi đầu trong lĩnh vực giáo dục Tài chính - Ngân hàng với đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm và thế hệ sinh viên đầy chất lượng. Người học có thể tham khảo qua một số trường như:
- Đại học Tài chính - Marketing
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Hoa Sen
- Học viện Tài chính
- Đại học Tôn Đức Thắng
- Đại học Kinh tế TP.HCM
Tổng hợp