Đẩy mạnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Vân Anh | 23/03/2022, 13:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngay sau khi Hà Nội công bố phương án tuyển sinh lớp 10, các trường THCS trên thành phố đã đẩy nhanh tiến độ ôn tập cho học sinh, đồng thời tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh.

Giáo viên Trường THCS Vân Hòa (huyện Ba Vì) ngoài việc giảng dạy kiến thức còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa định hướng nghề nghiệp cho học sinh.Giáo viên Trường THCS Vân Hòa (huyện Ba Vì) ngoài việc giảng dạy kiến thức còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Trang bị kiến thức cùng phân luồng, hướng nghiệp

Năm học 2021 - 2022, Hà Nội có 129 nghìn học sinh xét tốt nghiệp THCS. Dự kiến, chỉ tiêu vào các trường công lập là 77 nghìn, số còn lại sẽ theo học tại các trường ngoài công lập, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề. Hiện tại, các trường tăng tốc ôn luyện, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết: Trường có 8 lớp 9 với hơn 400 học sinh. Nhà trường tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp để trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi nhất cho học sinh. Mỗi tháng, nhà trường tổ chức kiểm tra, rà soát mức độ đạt được của học sinh một lần, từ đó kịp thời điều chỉnh về phương pháp ôn luyện để bảo đảm 100% học sinh đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.

Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, giúp các em có định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Các buổi tư vấn được tổ chức từ đầu năm học, qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Nhà trường thông tin kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ để phụ huynh nắm bắt được năng lực học tập của con em mình; thông tin kết quả tuyển sinh lớp 10 của năm trước để phụ huynh lượng sức học của con em mà chọn trường sau khi tốt nghiệp THCS.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), cho biết: Khi biết phương án tuyển sinh lớp 10 của thành phố, nhà trường đã tăng cường ôn tập cho học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Bên cạnh việc dạy kiến thức cơ bản, nhà trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để tư vấn hướng nghiệp, thực hiện công tác phân luồng sau THCS.

Đến tháng 4, thời điểm việc học tập của học sinh cơ bản hoàn thành, nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả để phân công giáo viên chủ nhiệm dựa trên năng lực của học sinh thực hiện công tác phân luồng. Đối với những em có học lực tốt, nhà trường sẽ tư vấn thi vào những trường tốp đầu. Còn những em có học lực không tốt sẽ định hướng để chọn các trường ngoài công lập, Trung tâm GDNN-GDTX hoặc có thể đi học nghề.

Theo học các trường nghề phù hợp cũng là hướng đi tốt bởi nhu cầu lao động đã tăng trong thời gian gần đây. Lựa chọn hình thức học tập sau tốt nghiệp THCS tùy thuộc vào học sinh và phụ huynh, nhưng vai trò định hướng nghề nghiệp của nhà trường cũng rất cần thiết để tránh gây áp lực cho các em.

Học sinh cần định hướng nghề nghiệp trước khi lựa chọn các trường THPT.

Giải tỏa tâm lý chuộng bằng cấp

Là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, 35 trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì đã và đang tập trung hỗ trợ những học sinh là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, các nhà trường cũng đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh lớp 9 nhằm giúp các em có định hướng nghề nghiệp.

Theo ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, năm học 2021 - 2022, toàn huyện có hơn 4.000 học sinh lớp 9. Phần lớn học sinh đều muốn theo học tại các trường THPT công lập vì điểm chuẩn các trường THPT trên địa bàn huyện đều thấp. Các trường dạy nghề đóng trên địa bàn huyện còn ít và tập trung ở trung tâm, chưa có nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt như: Miễn phí tiền ở nội trú, hỗ trợ xe đưa đón hàng ngày...

Dù đã đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS nhưng việc triển khai trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn. Học sinh tốt nghiệp THCS còn nhỏ, nhiều phụ huynh chưa yên tâm cho con đi học nghề và ở nội trú tại các trường xa nhà, quản lý khó khăn. Nhiều cha mẹ có tư tưởng trọng bằng cấp, nên con cái tốt nghiệp THCS là phải thi và học THPT, sau đó học lên cao đẳng, đại học.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh chưa được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa thực sự đổi mới, sáng tạo trong việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Các trường THCS chưa phối hợp thường xuyên với các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề trong việc tổ chức các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.

Ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho các em, trong năm học 2021 - 2022 lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các trường THCS tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch công tác phân luồng, hướng nghiệp nghề học sinh sau tốt nghiệp.

Đồng thời chỉ đạo các nhà trường chủ động ngay từ đầu năm học xây dựng kế hoạch ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, bồi dưỡng học sinh và xây dựng chi tiết kế hoạch tổ chức công tác hướng nghiệp phân luồng. Trên cơ sở của năm cũ, năm học này UBND huyện giao chỉ tiêu cho từng trường, phấn đấu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt 35% trở lên, trong đó học nghề 20%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy mạnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh