Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: Sự tiếp nối từ Đề án 1501 đến Chương trình 1895 khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; cùng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các cấp bộ, ngành, địa phương, nhà trường, gia đình và toàn xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Chương trình 1895được ban hànhthực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
Chương trình 1895 đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của Đề án giai đoạn 2015-2020, nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021- 2030.
Về mục tiêu, Chương trình xác định 2 mục tiêu lớn. Một là,tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng; tuân thủ pháp luật; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.
Hai là,khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Chương trình đã xác định 2 nhóm chỉ tiêu cơ bản gồm: Chỉ tiêu về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Chỉ tiêu về khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên học sinh, sinh viên.
Để đạt được các mục tiêu, Chương trình đã đề xuất 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, cụ thể:
Đa dạng hoá nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến.
Tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, cộng tác viên phụ trách công tác tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, Hội, Đội.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ việc thực hiện chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Bảo đảm các thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Để bảo đảm hiệu quả, Chương trình đã quy định trách nhiệm thực hiện cụ thể cho các bộ, ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, các bộ ngành khác, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức Hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định: Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là vấn đề có tính chiến lược, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đầu tư cho tương lai của đất nước.
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, từ các hoạt động thực tiễn và kết quả nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế của các chuyên gia, kết quả triển khai ở mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những bài học kinh nghiệm, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những mô hình tiêu biểu trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất.
Thứ hai, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đề xuất phương pháp, cách thức cần tập trung thực hiện để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đặt ra trong Chương trình 1895.