Giáo dục

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của trường đại học tại TPHCM

PV 28/04/2025 23:23

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã làm việc với 2 trường đại học tại TPHCM nhằm tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án.

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với Trường Đại học Luật TPHCM và Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM về kiểm tra việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 và thực hiện một số dự án đầu tư mới.

Khẩn trương hoàn thành cơ sở 3 Trường Đại học Luật TPHCM

Tại Trường Đại học Luật TPHCM, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT trực tiếp khảo sát hiện trạng Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 3 - Trường Đại học Luật TPHCM tại Phường Long Phước, TP Thủ Đức, TPHCM.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành thị sát trực tiếp các hạng mục thuộc giai đoạn 1 của dự án bao gồm 2 tòa nhà phục vụ cho công tác giảng dạy và các công trình phụ trợ đi kèm, đồng thời đưa ra những đánh giá sơ bộ liên quan nhằm dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 9/2025.

kiem-tra.jpg
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác làm việc tại Trường Đại học Luật TPHCM. Ảnh: HCMULAW

Sau khi kiểm tra thực tế công trình thuộc dự án, đoàn công tác làm việc với Ban lãnh đạo nhà trường.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo sơ bộ về quá trình hình thành, phát triển cũng như tiến độ triển khai cơ sở 3. Nhà trường đã thực hiện việc san lấp, giải phóng mặt bằng trên khuôn viên cơ sở.

Tuy nhiên, quá trình này còn gặp một số vướng mắc liên quan đến thủ tục giải phóng mặt bằng và sự chênh lệch giữa kế hoạch thu hồi đất theo quỹ đất của nhà trường. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng đang gây khó khăn cho tiến độ thực hiện dự án.

TS Lê Trường Sơn cũng giải trình về việc quỹ đất Cơ sở 3 giảm từ 32 ha xuống còn 20 ha, đồng thời đề xuất giải pháp xã hội hóa trong việc xây dựng ký túc xá nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, qua đó khẳng định sự quan tâm của Nhà trường đối với sinh viên, học viên.

Hiện nay, Trường Đại học Luật TPHCM đang triển khai gấp rút các tiến độ như hoàn thiện các tuyến đường kết nối từ đường N3 vào khu đất tại cơ sở 3.

Nhà trường đang phối hợp doanh nghiệp triển khai xây dựng ký túc xá cho sinh viên, liên kết đặt trạm xe buýt trong trường kết nối với trung tâm thành phố, liên kết ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM để đảm bảo thêm chỗ ở an ninh và tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên yên tâm học tập từ năm học 2025-2026.

hieu-truong.jpg
Ông Lê Trường Sơn báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: HCMULAW

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh trọng tâm các giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến cơ sở 3 trong giai đoạn 1, nhằm đảm bảo tiến độ thi công, bảo trì, bảo dưỡng các hạng mục công trình và công trình phụ trợ, phục vụ tốt cơ sở vật chất cho sinh viên nhập học vào tháng 9/2025.

Thứ trưởng cũng yêu cầu nhà trường cần chủ động đánh giá, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến nguồn vốn trong giai đoạn 2021–2025, làm cơ sở vững chắc để tiếp tục triển khai kế hoạch giai đoạn 2026–2030.

thu-truong.jpg
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HCMULAW

Ngoài ra, các thành viên trong đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi, thảo luận, nhằm làm rõ những vướng mắc hiện nay, qua đó thống nhất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà trường trong thời gian tới.

Dự án Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM vướng mặt bằng

Tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD&ĐT) làm việc với nhà trường liên quan đến tình hình thực hiện dự án đầu tư mới tại huyện Nhà Bè, TPHCM.

Dự án trên gồm 2 dự án thành phần.

Thứ nhất, dự án bồi thường thu hồi đất tại khu dân cư Nhơn Đức, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, để đầu tư xây dựng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM; được phê duyệt tại Quyết định số 4930/QĐ-BGDĐT ngày 29/10/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tổng mức đầu tư được duyệt: 564,7 tỷ đồng; tổng diện tích đất là 22,626 ha, thời gian thực hiện từ năm 2015-2016 và được gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2025.

Thứ hai, dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM, được phê duyệt tại Quyết định số 981/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tổng mức đầu tư ban đầu là 450,297 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh cắt giảm các hạng mục do vướng giải phóng mặt bằng là 428,827 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là năm 2016-2025.

Nguồn vốn để đầu tư từ bán đấu giá khu đất số 100 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5 của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM và nguồn ngân sách Nhà nước chi đầu tư phát triển tối đa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

048ea1c988ce3a9063df.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng nghe đại diện Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM diễn giải về các công trình đầu tư. Ảnh: Quốc Hải

Theo nhà trường, dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) khu dân cư Nhơn Đức được UBND TPHCM giao cho Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Công tác GPMB đến năm 2017 đạt 20,724 ha/22,026 ha. Diện tích còn lại khoảng 1,9 ha kéo dài từ năm 2018 đến nay chưa bàn giao.

Thực tế, đã giải ngân vốn cho Công ty Vạn Phát Hưng là 489,208 tỷ đồng, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Kho bạc Nhà nước, ngày 22/01/2024 nhà trường đã làm thủ tục trình Ủy nhiệm chi cho Kho bạc Nhà nước TPHCM hoàn trả số tiền 75,492 tỷ còn lại.

Nhà trường đã có Tờ trình số 697/TTr-ĐHSPTDTT ngày 21/8/2024 về trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án. Thời điểm năm 2024, sau khi rà soát nhu cầu tổng thể đầu tư, với đơn giá đền bù hiện nay đã tăng, tổng mức đầu tư phải điều chỉnh là hơn 677 tỷ đồng, do đó số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh khoảng 188 tỷ đồng.

Đến nay, các hạng mục của dự án đã được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng gồm nhà hiệu bộ, giảng đường, sân tennis, sân bóng ném và hạ tầng kỹ thuật và hồ bơi, công trình biểu tượng, nhà để xe, cổng chào – nhà bảo vệ; đã được các cơ quan chuyên môn chấp nhận nghiệm thu. "Nhà trường đã đưa vào sử dụng hoạt động giảng dạy học tập từ tháng 1/2024 cho đến nay", đại diện nhà trường cho biết.

Các hạng mục chưa triển khai thi công do vướng giải phóng mặt bằng bao gồm sân bóng đá; phần đất thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật; trung tâm y tế...

fe9fc718ec1f5e41070e.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Quốc Hải

Phối hợp với TPHCM, các sở ban ngành để "gỡ vướng"

Liên quan đến công tác GPMB những khó khăn, vướng mắc của dự án, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM và Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản đề nghị gửi đến UBND TPHCM đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền, gần nhất là văn bản số 374/ĐHSPTDTT ngày 14/4/2025.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Vạn Phát Hưng chỉ thực hiện việc thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với các hộ dân được 7.159 m2/26.173,5m2, còn lại 19.013,7m2 không thỏa thuận bồi thường được.

Vì vậy Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng chưa bàn giao được phần diện tích đất còn lại (19.013,7m2 của 3 hộ dân) cho trường.

"Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với doanh nghiệp này, nếu không có phương án giải quyết thì trường sẽ kiện ra tòa", đại diện nhà trường thông tin.

02e5f2ace8ab5af503ba.jpg
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM trong giờ học. (Ảnh: Quốc Hải)

Tại buổi làm việc, đại diện nhà trường đề nghị các sở, ngành TPHCM có phương án tham mưu UBND thành phố phương án đền bù giải phóng mặt bằng 19.013,7m2 diện tích đất còn lại của 3 hộ dân, cũng như ban hành đơn giá đền bù làm cơ sở cho việc bồi thường GPMB khu đất nằm trong phạm vi dự án của nhà trường.

"Quỹ đất đã giải phóng mặt bằng hiện nay không thể bố trí xây dựng Sân vận động, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật còn lại và các hạng mục sẽ được đầu tư trong tương lai trong điều kiện Dự án đã phải xin gia hạn thời gian thực hiện 4 lần từ năm 2018 đến nay. Vì vậy, mong Bộ GD&ĐT quan tâm, đề nghị UBND TPHCM xem xét phê duyệt đơn giá đề bù, phương án đền bù để sớm GPMB và bàn giao đất sạch còn lại cho nhà trường đầu tư xây dựng, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học”, đại diện nhà trường kiến nghị.

Ngoài ra, để thực hiện đúng tiến độ giải ngân theo Quyết định số 538/QĐ-BGDĐT ngày 28/02/2025 của Bộ GD&ĐT, trường được giao kế hoạch vốn năm 2025 là 67,498 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số vốn này vẫn chưa được Bộ Tài chính nhập vào hệ thống Tabmis tài khoản dự án của Trường tại Kho bạc Nhà nước Khu vực II.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân, đặc biệt trong tháng 4 và tháng 5/2025 với nhu cầu tạm ứng khoảng 13,2 tỷ đồng cho gói thầu "Thi công xây dựng và thiết bị hạng mục Ký túc xá - Nhà khách (khối lượng còn lại)", nhà trường kiến nghị Bộ Tài chính quan tâm hỗ trợ, sớm hoàn tất việc nhập vốn vào hệ thống Tabmis đối với tài khoản dự án của trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng đánh giá tầm nhìn của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM khi định hướng chọn xây dựng trường ở địa điểm này, có sự tính toán quy mô cho đào tạo lĩnh vực thể dục, thể thao đến năm 2030. "Tôi rất mừng khi có nhiều bạn sinh viên về học tại nơi đây. Điều này rất quý", Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, mặc dù thời gian qua Nhà trường còn gặp nhiều khó khăn và chưa hoàn thiện được nhiều hạng mục như kỳ vọng, nhưng các hạng mục đầu tư đã thực hiện đều cho thấy định hướng đúng đắn, phù hợp với mục tiêu phát triển lâu dài của nhà trường.

"Ngoài sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, sự hỗ trợ của TPHCM, các ban ngành địa phương… đã giúp nhà trường đạt được những hiệu quả mục tiêu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi đề nghị nhà trường có báo cáo với Bộ GD&ĐT để chúng tôi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM để có chủ trương và hướng giải quyết dự án này là đầu tư cho sự nghiệp giáo dục”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng cũng đề nghị Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM quyết tâm hoàn thành dự án khối ký túc xá trong năm nay để có chỗ ở cho khoảng 300 sinh viên đang theo học.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/day-nhanh-tien-do-thuc-hien-cac-du-an-cua-truong-dai-hoc-tai-tphcm-post729097.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/day-nhanh-tien-do-thuc-hien-cac-du-an-cua-truong-dai-hoc-tai-tphcm-post729097.html
Bài liên quan
Giải phóng mặt bằng khó khăn khiến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm tiến độ
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Đăk Lăk) đoạn qua tỉnh Khánh Hòa đang đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ nghiêm trọng do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của trường đại học tại TPHCM