Hà Nội: Tháo gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng quá trình chuyển tiếp giữa 2 Luật đất đai

Theo Thanh Hiếu 05/04/2025 16:32

Quá trình chuyển tiếp giữa Luật đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024 đã phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Hiện tại, thành phố Hà Nội đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc này.

Dự án chậm tiến độ vì 'vướng' chính sách bồi thường

Mới đây, UBND quận Hoàng Mai đã có báo cáo, kiến nghị UBND TP Hà Nội có cơ chế hỗ trợ khác để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường Tam Trinh. Bởi lẽ, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024 có nhiều thay đổi về chính sách hỗ trợ, đền bù ảnh hưởng đến GPMB.

Về vấn đề này, đại diện UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) cho biết, trước đây những công trình xây dựng không hợp pháp khi GPMB đều có chính sách hỗ trợ theo tỷ lệ nhất định, từ 10% đến 80% so với đơn giá xây dựng mới. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 lại không có quy định về nội dung này. Trong khi đó, phần lớn các công trình nhà ở của người dân trên tuyến đường Tam Trinh đều không có giấy phép xây dựng, hoặc không có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép nên không có cơ sở để áp dụng chính sách bồi thường hoặc hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cuối năm 2024, UBND TP Hà Nội ban hành bảng giá đất mới. Vì thế, UBND các phường phải làm lại các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường, GPMB.

Đồng quan điểm, đại diện UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) cho rằng, hầu hết các dự án chậm tiến độ đều liên quan đến GPMB. Trước đây, dù là đất không có giấy tờ nhưng khi thu hồi đều có hỗ trợ công trình trên đất theo tỷ lệ % nhất định, thế nhưng nhiều gia đình còn không di dời.

Vị đại diện này cho rằng, đặt trường hợp đất gia đình đã ở mấy chục năm nhưng vì lý do nào đó mà chưa được cấp giấy tờ, nếu không được hỗ trợ, chắc chắn người dân sẽ không di dời. Từ đó, tiến độ các dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

Hà Nội: Tháo gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng quá trình chuyển tiếp giữa 2 Luật đất đai- Ảnh 1.

Cùng dự án nhưng mức bồi thường khác nhau

Ông Nguyễn Thạc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) cho biết một số bất cập khác trong công tác GPMB.

Ông nói, trên địa bàn xã có nhiều dự án khu đô thị, dự án đường giao thông đã và chuẩn bị triển khai. Vì thế, công tác GPMB đang được địa phương đẩy mạnh. Tuy nhiên quá trình triển khai GPMB đã bộc lộ một số bất cập. Trong đó, có trường hợp cùng một dự án, một khu đất nhưng phương án hỗ trợ, bồi thường khác nhau dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Hiện UBND xã đang phải giải quyết khiếu nại tập thể của các hộ dân liên quan đến thu hồi đất của một dự án giao thông trên địa bàn. Theo đó, cùng một dự án, nhưng những hộ được phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường GPMB thu hồi đất trước thì nhận được khoảng 360 triệu đồng/sào (360m2). Cũng dự án đó, vị trí đó, chỉ ít ngày sau, cấp trên tiếp tục ký duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường GPMB với tổng số tiền khoảng 400-420 triệu đồng/sào.

Chính vì điều này, người được phê duyệt phương án bồi thường trước bị thiệt 50- 60 triệu đồng/sào và gửi đơn khiếu nại.

“Làm đường giao thông thì người dân ủng hộ, sẵn sàng bàn giao đất vì ai cũng thấy được những lợi ích trước mắt và lâu dài. Nhưng, người dân và chính quyền địa phương mong cấp trên xem xét để phương án hỗ trợ, bồi thường GPMB được công bằng để không dẫn tới khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương”, ông Sơn đề xuất.

Hà Nội: Tháo gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng quá trình chuyển tiếp giữa 2 Luật đất đai- Ảnh 2.
Hà Nội đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án liên quan đến Luật đất đai 2013 và Luật đất đai 2024

Liên quan vấn đề này, trước đó tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hà Nội được tổ chức ngày 9/12, đại biểu Trương Hải Long (Tổ đại biểu quận Long Biên) cho rằng giá đền bù GPMB hiện nay còn nhiều bất cập. Ví như, hai dự án đầu tư cạnh nhau nhưng một dự án đầu tư công thì được bồi thường 10 đồng/m2, nhưng dự án của tư nhân họ hỗ trợ đến 30 triệu đồng dẫn đến người dân so sánh, tâm tư. Do đó, Nhà nước nên GPMB theo quy hoạch để các hộ mất đất tương đồng nhau.

Bên cạnh đó, theo quy định gia đình phải bị thu hồi đất từ 30% trở lên của một dự án mới được tái định cư đất ở. Thế nhưng, trường hợp dự án đầu tiên gia đình bị thu hồi 20% đất, dự án thứ 2 bị thu hồi 15%, tổng là 35% nhưng người dân không được tái định cư đất ở vì là 2 dự án. Vì thế, người dân nhất định không chịu di dời bởi "gia đình mất hơn 30% đất nhưng vẫn không được bồi thường đất. Do đó, Nhà nước nên quy định bị thu hồi từ 30% đất cho tất cả các dự án thì sẽ được tái định cư bằng đất ở.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" GPMB

Theo Sở NN&MT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.448 dự án đang thực hiện GPMB theo Luật Đất đai 2013 và tiếp tục triển khai theo Luật Đất đai 2024, với tổng diện tích hơn 12.430ha. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp giữa hai luật đã phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Theo Điều 85, Luật Đất đai 2024, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo trước từ 90- 180 ngày.

Tuy nhiên, nhiều dự án đã ra thông báo thu hồi, nhưng chưa hoàn tất thủ tục trong thời gian quy định, dẫn đến việc mất hiệu lực và không thuộc diện được chuyển tiếp theo Luật Đất đai 2024.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng bộc lộ những hạn chế. Các dự án đã thực hiện một số bước theo Luật Đất đai 2013, như kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường… nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi hoặc phê duyệt phương án bồi thường khi áp dụng theo quy định mới đã có hàng loạt phát sinh.

UBND thành phố Hà Nội đang tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với những dự án chịu sự điều chỉnh của cả Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Cụ thể, đối với các thông báo thu hồi đất chưa quá 12 tháng, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện GPMB theo quy định hiện hành, không phải thực hiện lại theo Luật Đất đai 2024.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các dự án đã hoàn tất quy trình theo Luật Đất đai 2013 tiếp tục triển khai, không cần làm lại từ đầu. Đối với các dự án áp dụng Luật Đất đai 2024, nhưng chính sách không thay đổi và người dân đồng thuận, các cơ quan chức năng có thể tiến hành ngay các bước tiếp theo.

Theo Tiền phong
https://tienphong.vn/ha-noi-thao-go-nut-that-giai-phong-mat-bang-qua-trinh-chuyen-tiep-giua-2-luat-dat-dai-post1731217.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/ha-noi-thao-go-nut-that-giai-phong-mat-bang-qua-trinh-chuyen-tiep-giua-2-luat-dat-dai-post1731217.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Tháo gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng quá trình chuyển tiếp giữa 2 Luật đất đai