100 học sinh đến từ 20 trường THCS ở Hà Nội đã có màn thi đấu quyết liệt, hồi hộp, gay cấn cùng với robot do chính tay các em thiết kế.
Mới đây, tại trường THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, quy tụ 20 trường THCS trên địa bàn Hà Nội tham dự chương trình STEM ROBOTICS “Hành trình tới tương lai”.
Chương trình có sự hướng dẫn của thầy Hà Lam Sơn, Chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Nội; ý tưởng xây dựng của cô Nguyễn Lan Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và thầy Nguyễn Văn Vĩ - Chuyên gia lập trình Robotics.
Trước thi đấu, 100 em học sinh của 20 trường học thể hiện lập trình robot. Các buổi học vui tươi và sôi nổi. Sau khi học, các em tự lập trình robot của mình theo đề bài của sàn đấu robotcon. Các robot được tích hợp cảm biến ánh sáng sẽ nhận biết phòng tối/ phòng sáng, thực hiện nhiệm vụ thu gom các “thói quen xấu” của người Việt về các khu vực có ánh sáng.
Đặc biệt, đây là Robot ba “không” và ba “có”. Cụ thể, Robot “không vì thành tích”. Với mục tiêu các em được làm thật, sáng tạo thật, phát triển tư duy, học sinh ngày một yêu thích khoa học. Đó là mục tiêu của chương trình STEM ROBOTICS “Hành trình tới tương lai”.
Robot “không làm hộ, nghĩ hộ”. Vì ở nước ta, nhiều cuộc thi dành cho trẻ em nhưng thầy cô và cha mẹ lại làm hộ, nghĩ hộ cho các em. Với sân chơi này, các em được trải nghiệm khoa học. Như Jean Jacques Rousseau đã nói: “Ta không nên dạy trẻ nhỏ khoa học mà hãy để trẻ nếm trải nó”. Qua sự “nếm trải” này, học sinh trưởng thành hơn.
Robot “không chi phí”. Nhiều người vẫn nghĩ việc học lập trình và thiết kế Robot cần chi phí cao. Nhưng đây là chương trình tổ chức dạy và học lập trình, thiết kế miễn phí. Các em có thể dùng những vật liệu sẵn có trong cuộc sống hàng ngày để thiết kế Robot phù hợp với yêu cầu của cuộc thi.
Bên cạnh đó, Robot tham gia chương trình lần này “có sự sáng tạo, tư duy” của học sinh. Theo sát quá trình học lập trình và sáng tạo của các em, ta sẽ bắt gặp gương mặt suy tư, ánh mắt lấp lánh và tiếng reo hò của các em khi lắp ráp thành công. Thậm chí, có cả sự thất bại khi các em liên tục phải tháo ra lắp vào nhiều lần mới thực hiện được robot.
Robot “có tình yêu”, đó là tình yêu các em học sinh dành cho khoa học, tình yêu của thầy cô dành cho các em học sinh và cho nghề nghiệp của mình. Hơn hết, đề bài thi đấu của sân chơi Robocon lần này của chúng cháu gắn liền với dịp kỉ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Robot có màu cờ đỏ của tình yêu đất nước.
Và cuối cùng là Robot “có tầm nhìn chiến lược”. Nếu giáo dục biết khơi gợi mơ ước, chúng ta sẽ dần thấy hình hài của những nhà khoa học, những kỹ sư công nghệ,… của tương lai.
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá, đây là hoạt động giáo dục rất ý nghĩa và thiết thực.