Để bảo đảm việc dạy học, đặc biệt là giải quyết những băn khoăn về dạy và học tích hợp, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp. Theo ông Nguyễn Phương Toàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, giải pháp về con người được đặc biệt quan tâm. Bộ GD&ĐT đã có 9 mô-đun tập huấn giáo viên dạy tích hợp, sở triển khai bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên giảng dạy tích hợp ở các môn.
Cụ thể, giáo viên môn Địa lý được bồi dưỡng 20 tín chỉ môn Lịch sử. Thế nhưng, về lâu dài, các trường đào tạo sư phạm cần cân nhắc, tính toán trong việc đào tạo giáo viên cấp trung học để có thể giảng dạy tích hợp...
Cuối tháng 8/2023, Sở GD&ĐT Tiền Giang kết hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM đào tạo, bồi dưỡng 900 giáo viên dạy môn tích hợp KHTN; Lịch sử - Địa lý cấp THCS và môn Tin học - Công nghệ cấp tiểu học. Trong đó, có 356 giáo viên bồi dưỡng môn Lịch sử - Địa lý; 744 giáo viên bồi dưỡng môn KHTN.
Theo ông Nguyễn Phương Toàn, trước đây một số giáo viên tự học lấy tín chỉ. Tuy nhiên việc học này khó đáp ứng yêu cầu nội dung chương trình lớp 8, 9 khi dạy môn KHTN. Do đó, sở GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng nhằm tạo điều kiện giúp giáo viên thực hiện tốt chương trình mới.
Tại tỉnh Cà Mau, thực hiện dạy tích hợp môn KHTN, một số trường THCS phải bố trí giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy các chủ đề thuộc chuyên ngành đào tạo. Theo đại diện sở GD&ĐT, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong bố trí giáo viên giảng dạy. Ngành Giáo dục địa phương đã tham mưu cấp thẩm quyền cho phép bồi dưỡng ngắn hạn môn tổ hợp cho đội ngũ giáo viên trong biên chế để bố trí dạy học hiệu quả hơn.
Nhằm khắc phục khó khăn, bảo đảm có giáo viên giảng dạy tích hợp liên môn, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Sở tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và viên chức quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018; đồng thời tập trung rà soát, sắp xếp đội ngũ phù hợp thực tế địa phương trên tinh thần bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu môn học.
Tỉnh cũng đặt hàng đào tạo nguồn giáo viên để tuyển dụng cho môn học mới; bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp; bố trí biên chế, hợp đồng lao động phù hợp từng năm theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, bảo đảm không bị động về số lượng và cơ cấu môn học, nhất là giáo viên môn học mới.
Tại TPHCM, từ năm 2020, giáo viên được bồi dưỡng tại Trường Đại học Sài Gòn (TPHCM) 6 tháng về Chương trình GDPT 2018. Nhờ đó, môn KHTN và KHXH theo chương trình mới, giáo viên đã phụ trách giảng dạy từng môn. Chia sẻ từ thầy Phùng Minh Vương - Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM), dạy môn tích hợp theo chương trình mới, giáo viên có thể phụ trách chứ không chia thời khoá biểu thành từng thời điểm để dạy.
Ngoài ra, nhà trường đã ghép 3 tổ Vật lý, Hoá học, Sinh học thành tổ KHTN. “Dịp hè 2023, giáo viên nhà trường được tập huấn chương trình mới lớp 8 tại Trường Đại học Sài Gòn. Do đó khi khối này học theo chương trình mới, giáo viên giảng dạy môn KHTN không có gì thay đổi so với năm học trước”, thầy Vương chia sẻ.
“Để công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, hằng tuần giáo viên tổ KHTN và KHXH sinh hoạt chuyên môn. Thầy cô ngồi lại trao đổi về kế hoạch bài dạy của cá nhân, xem phần nào khó khăn trong quá trình giảng dạy. Chẳng hạn, giáo viên chuyên môn Vật lý sẽ hỗ trợ đồng nghiệp chuyên môn Hoá học, Sinh học và ngược lại...”, thầy Vương cho hay.