Sau chuyến du lịch Việt Nam, bạn đọc Ron de Munck – đến từ thành phố Rotterdam của Hà Lan - đã có bài viết về những điều ghi nhận được ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Xem lại những điều Ron de Munck nhắc đến, chúng tôi không khỏi bất ngờ.
Việt Nam đã trở thành điểm đến yêu thích của rất nhiều người nước ngoài và bản thân tôi cũng không là một ngoại lệ. Trong ba tuần ở Việt Nam, tôi đã đi qua nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người và thăm được nhiều cảnh đẹp. Trong khoảng thời gian này, tôi đã cố gắng học hỏi về văn hoá Việt Nam, và tôi biết rằng để thực sự hiểu nền văn hoá của một đất nước, tôi cần biết về lịch sử của họ.
Với tinh thần đó, tôi đã đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội. Tôi hy vọng, chuyến thăm sẽ giúp tôi hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, cũng như biết về sự đàn áp khủng khiếp mà người Việt Nam phải chịu đựng hết lần này đến lần khác, bởi các nước thực dân và đế quốc. Tôi mong mình sẽ hiểu được sự quật cường của Việt Nam, đất nước đã vượt qua tất cả để dành lại tự do, đất nước mà tôi chỉ phần nào biết qua từ bộ môn Lịch sử tại trường.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có hai toà nhà chính. Mặc dù toà nhà dành cho phần Lịch sử Cổ đại để lại ấn tượng mạnh, với lối bài trí rõ ràng và cách kể chuyện lôi cuốn, thì toà nhà dành cho Lịch sự hiện đại lại khiến tôi có nhiều điều không thỏa mãn, dù rằng đây là chủ đề yêu thích của tôi.
Phần Lịch sự hiện đại của Bảo tàng được trưng bày trong một căn nhà lớn với kiến trúc Pháp cổ. Mặc dù tầng hai của toà nhà đã được phần nào cải tạo, nhưng tầng trệt của toà nhà lại trong tình trạng xuống cấp. Điều này đã phần nào khiến cho bảo tàng thiếu đi sự mạch lạc, và liên kết trong cách trình bày, kể chuyện.
Hơn nữa, tôi cảm giác như cách trình bày của bảo tàng không hướng tới khách du lịch nước ngoài. Bởi hầu hết thông tin ở tầng một của bảo tàng đều không có lời dịch từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh.
Mặc dù tôi may mắn khi đi cùng một người bản ngữ giúp tôi phiên dịch, nhưng không phải khách du lịch nào cũng có thể có một người phiên dịch đi cùng và giải thích được toàn bộ nội dung của bảo tàng theo mong muốn của người xem.
Tầng hai của bảo tàng tuy có phần dịch lược, thế nhưng, chất lượng của bản dịch lại là một câu chuyện khác. Rất nhiều văn bản dường như đã được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh chỉ bằng cuốn từ điển.
Do sự khác biệt về cấu trúc ngữ pháp giữa tiếng Việt và tiếng Anh, việc dịch nghĩa đen từng từ một, khiến cho văn bản trở nên khó đọc và khó hiểu. Bên cạnh đó, lỗi chính tả tiếng Anh có thể được tìm thấy trong các bản in của bảo tàng. Dường như những bản dịch này đã không được kiểm tra và duyệt trước với người Anh bản xứ, hoặc một chuyên gia tiếng Anh trước khi được in ra.
Điểm cuối cùng tôi nhận thấy là bảo tàng có một bộ sưu tập các hiện vật ngẫu nhiên, nhưng lại thiếu đi những thông tin căn bản. Thay vì kể cho du khách nghe về những nhân vật được nêu trong bảo tàng: Họ là ai, họ đã làm gì, và tại sao họ quan trọng với đất nước, thì bảo tàng chỉ trưng bày những vật dụng của họ.
Là một khách du lịch đến xem, tôi hiểu rằng, những nhân vật được nhắc đến tại đây họ phải rất quan trọng với đất nước, thì vật dụng của họ mới được đặt ở bảo tàng. Tuy vậy, khách du lịch khó có được ấn tượng về những con người lịch sử đó, bởi bảo tàng không giới thiệu tại đây những câu chuyện về họ.
Để giúp cải thiên cho trải nghiệm của người tham quan bảo tàng, tôi xin được đưa ra một vài ý kiến góp ý khiêm tốn của bản thân. Trước tiên, bảo tàng cần xác định mục tiêu của mình, từ đó giới thiệu cho khách du lịch biết và nhớ đến những thông tin cần thiết sau khi tham quan bảo tàng, để sau chuyến tham quan những người khách này sẽ lan tỏa về bảo tàng đến với mọi người thân, bạn bè.
Để làm được điều này, các đồ vật trưng bày trong bảo tàng nên được xây dựng theo một câu chuyện tổng thể, chứ không thể chỉ chắp vá, phần được cải tạo, phần không.
Thứ hai, thay vì chỉ trưng bày những đồ vật như ấm trà, bát đũa, kỷ vật của cá nhân… Bảo tàng hãy kể câu chuyện về người sở hữu những đồ vật này, hãy giới thiệu với người tham quan về họ, về những cá nhân của lịch sử. Việc thiếu đi những câu chuyện đằng sau những con người lịch sử ấy, làm cho đồ đạc của họ không đặc sắc hơn đồ đạc của một người bình thường trong mắt khách du lịch. Lấy ví dụ Bảo tàng Hoả lò, họ đã làm rất tốt trong việc trưng bày và kể chuyện những người tù chính trị bị giam giữ tại đây.
Cuối cùng, những bản dịch tại tầng hai của phần Lịch sử hiện đại của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần phải được kiểm tra lại về cả chính tả lẫn ngữ pháp. Điều này sẽ giúp cho những văn bản được truyền tải rõ ràng, đúng nghĩa đến người đọc.
Việt Nam có một lịch sử phong phú với rất nhiều câu chuyện anh hùng, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử hiện đại. Đây là một giai đoạn đầy cảm hứng nhưng cũng vô cùng đau thương của lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử loài người hiện đại nói chung. Đây là một lịch sử gây ra bởi phương Tây và rất nhiều khách du lịch chỉ biết đến giai đoạn lịch sử này qua góc nhìn của phương Tây.
Tuy vậy, Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam có cơ hội để kể về câu chuyện chiến tranh Việt Nam, qua góc nhìn của người Việt Nam. Đây là một cơ hội để lưu dấu ấn lịch sử của Việt Nam với bạn bè quốc tế, là một cơ hội để giai đoạn lịch sử này không chỉ lưu trong tâm trí họ như một chương trong bộ môn lịch sử, mà như một lời khắc ghi rằng “ Hãy nhìn những gì mà cha ông của bạn đã làm với đất nước và cha ông của chúng tôi. Nhưng hơn hết, hãy nhìn cách mà chúng tôi đã vượt qua tất cả những điều đó và dành lại được độc lập, tự do”.
Tôi tin rằng, lịch sử cần phải được lưu giữ và truyền tải. Và với nguồn tài chính và nhân lực phù hợp, tôi tin rằng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có thể là một trong những điểm nhấn quan trọng trong du lịch của thành phố Hà Nội.