Để 'chuẩn' được bền vững

Công Chương | 30/07/2022, 06:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vì thành tích, nhiều địa phương đưa ra mục tiêu xây dựng trường chuẩn xa với thực tế.

Kỳ vọng vào ngôi trường đạt chuẩn

Nói về kỳ vọng của mình, thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), chia sẻ: Ngôi trường đạt chuẩn là tạo lập được uy tín, niềm tin với phụ huynh, cấp ủy, chính quyền và cộng đồng địa phương thông qua việc khẳng định chất lượng. Phát huy vai trò của từng giáo viên chủ nhiệm trong sự kết hợp giữa phụ huynh học sinh và nhà trường. Trong đó, phương pháp giáo dục có tính ứng dụng thực tế, luôn chú trọng đến phát triển nhân cách toàn diện để học sinh không chỉ học các môn văn hóa, mà còn rèn luyện những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, ứng xử như làm việc nhóm, thuyết trình…

“Sĩ số học sinh trong mỗi lớp chỉ khoảng 30 em, dưới sự quản lý trực tiếp của giáo viên chủ nhiệm và trợ giảng, đảm bảo học sinh luôn được quan tâm và chăm sóc chu đáo... Đội ngũ thầy, cô giáo đảm bảo đúng chuẩn và hưởng các quyền lợi phù hợp với giá trị của sản phẩm là tri thức, ngôi trường phải xây dựng được thương hiệu riêng theo từng mức độ của chuẩn theo quy định...” - thầy Phạm Trung Hữu trao đổi.

Tương tự, thầy Nguyễn Long Giao mong muốn: “Ngoài việc phải đạt những tiêu chuẩn theo quy định thì ngôi trường đạt chuẩn cần có thêm một số tiêu chí của mô hình trường hạnh phúc được Bộ triển khai từ năm 2019. Theo đó, trường được xã hội, chính quyền địa phương quan tâm, đồng thời được tập thể sư phạm nhà trường cùng phụ huynh học sinh chung tay xây dựng theo hướng xanh - sạch - đẹp - an toàn - yêu thương - tôn trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường...”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Quốc Minh (giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM) cho rằng: Một ngôi trường chuẩn đầu tiên phải nói đến chất lượng đào tạo, khuôn viên rộng, đầy đủ các phòng chức năng, đồng thời phải có sân chơi để cho học sinh học tập. Ngoài việc chú trọng học tập, nhà trường còn phải giáo dục các em kỹ năng sống.

Đối với giáo viên, ngoài vai trò là người thầy, còn là người bạn gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu; dạy các em học bài học về bản lĩnh để mạnh mẽ và vững tin khi vào đời. Bên cạnh đó, giáo viên cần thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế, không máy móc, sáo rỗng…

Về quản lý, lãnh đạo trường không sử dụng quá nhiều câu ra lệnh, mà phải có tầm nhìn, có cái tâm, biết trọng dụng người tài, biết bứt phá, sáng tạo trong quản lý để đánh thức năng lực tập thể.

“Ngôi trường mà tôi kỳ vọng là đạt chuẩn lý tưởng “hạnh phúc - yêu thương - trách nhiệm”. Dạy học quan trọng nhất là dạy đạo đức để học sinh sống có trách nhiệm, biết yêu thương và chia sẻ. Đôi khi chúng ta quá chú trọng thành tích mà quên đi dạy làm người mới quan trọng. Thiếu kỹ năng sống khiến trẻ dễ chán nản bi quan và hời hợt... Vì thế, bản thân tôi cảm thấy học sinh cần tham gia hoạt động trải nghiệm, hoạt động xã hội nhiều hơn; cần học kỹ năng sống nhiều hơn để các em năng động, sống có trách nhiệm và biết quan tâm...” - TS Nguyễn Thị Quốc Minh chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/de-chuan-duoc-ben-vung-post602046.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/de-chuan-duoc-ben-vung-post602046.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để 'chuẩn' được bền vững