Để doanh nghiệp không chỉ là nơi thực tập của sinh viên
Trong giáo dục nghề nghiệp, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo đơn thuần mà trong cả vấn đề thực tập, thực hành. Điều này nhằm giúp học sinh, sinh viên vững tay nghề sau khi đi làm việc. Tuy nhiên, do dịch bệnh và nhu cầu của thị trường ngày càng phát triển nên việc đào tạo cũng như yêu cầu về kỹ năng của học sinh, sinh viên có những thay đổi.
Đại diện Công ty LS Electric Việt Nam cho biết, doanh nghiệp luôn mong muốn sinh viên có thể làm việc đa chức năng để thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh. Đồng thời giúp người lao động đạt hiệu quả cao trong công việc.
Trước những yêu cầu của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, nhà trường nên đẩy mạnh việc kết hợp với các doanh nghiệp để có những dự đoán về số lượng lao động cụ thể. Từ đó tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác đào tạo và hạn chế tình trạng thừa hoặc thiếu việc làm sau khi đào tạo. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải linh hoạt, có thể đào tạo, thực hành ngoài giờ, ngày nghỉ chứ không cứng nhắc trong vòng 8 tiếng.
TS Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, việc đào tạo học sinh, sinh viên đa kỹ năng là điều hoàn toàn đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Chính vì vậy, các trường cần sàng lọc xem doanh nghiệp nào đang có nhu cầu cấp thiết sau đó sàng lọc với số lượng phù hợp để đưa học sinh đi thực tập.
“Cả doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau để có chương trình đào tạo linh hoạt. Từ đó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường trên cơ sở các chuẩn đầu ra của ngành và của các trường”, TS Phạm Vũ Quốc Bình nói.
Về việc bổ sung thêm năng lực của chuyên gia trong quá trình đào tạo, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, thời gian tới Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ phối kết hợp với các đơn vị liên quan. Mục đích để xây dựng chuẩn nhà giáo, thu hút người vào hệ thống đào tạo, đồng thời bảo đảm chất lượng nguồn lao động.