Cô Thu lưu ý: “Các câu hỏi trong đề thi hiện nay hạn chế về ra các số liệu, ngày tháng như vậy góp phần giảm áp lực học thuộc cho học sinh. Do đó, học trò cần học để nắm bản chắc kiến thức, chú trọng vào sơ đồ, hệ thống hoá kiến thức.
Muốn lấy điểm cao môn Lịch sử, các em phải xác định được mục rõ ràng cho bản thân, có tinh thần tự học. Ngoài những bài giảng của thầy cô trên lớp nên tham khảo thêm các bài giảng của thầy cô trực tuyến, bộ đề tham khảo để tăng cường các kỹ năng, kinh nghiệm làm bài”.
Theo cô Thu, trong quá trình làm đề sẽ không tránh khỏi áp lực đặc biệt là áp lực ở mảng kiến thức khó. Do vậy quá trình luyện đề, học sinh nên làm từ mức độ nhận biết để nhớ chắc kiến thức cơ bản rồi mới đến các câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng để tạo hứng thú cho việc học và làm bài.
“Những học sinh dùng môn Lịch sử để xét tuyển đại học, cao đẳng các em cần có lộ trình cụ thể ôn luyện, nâng dần độ khó ở mức vận dụng cao. Sau mỗi một chuyên đề, học trò nên luyện các đề thuộc chuyên đề đó nhằm khắc sâu kiến thức.
Học sinh làm bài tập trắc nghiệm kết hợp làm ở phiếu và các phần mềm ứng dụng dạy học mà nhà trường hướng dẫn. Để khi giáo viên chữa bài, các em sẽ thấy được những phân tích của giáo viên, qua đó thấy điểm yếu của mình ở đâu mà khắc phục”, cô Thu nói.
Bên cạnh phương pháp học, học sinh cần có một kế hoạch, phân bố thời gian học giữa các môn. Để không đánh mất điểm, học sinh không được chủ quan, đọc kỹ đề, gạch chân các từ khoá của câu hỏi và loại trừ các phương án gây nhiễu. Quá trình làm bài thi chính thức, nên dành khoảng thời gian để kiểm tra bài làm của mình.
“Theo kinh nghiệm của tôi, học sinh thường mắc lỗi áp lực tâm lý, với câu dễ có tư tưởng chủ quan dẫn đến khoanh nhầm đáp án, chọn đúng đáp án nhưng khoanh nhầm trong phiếu”, cô Hoàng Thị Hoài Thu – giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn).