Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Không phải kim chỉ nam dạy - học

01/12/2023, 14:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều thầy cô lưu ý tránh coi Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025 là kim chỉ nam, thước đo cho dạy, học, kiểm tra.

Thầy Hoàng Trọng Tú - Trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình) thì cho biết, sau khi có đề minh họa, nhà trường sẽ giao tổ nhóm chuyên môn chuẩn bị tài liệu, nội dung ôn tập. Các tổ nhóm chuyên môn tiến hành ôn tập cho học trò với nội dung bám sát đề minh họa. Đồng thời, cho các em làm thêm đề thi thử với nội dung tương tự; dựa vào mức độ của đề thi minh họa tiến hành phân nhóm học sinh theo từng cấp độ để ôn tập tốt hơn.

Triển khai dạy học, ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt kết quả cao, cô Đoàn Thu Hà chia sẻ, Ban giám hiệu Trường THCS - THPT Phenikaa sẽ chỉ đạo các tổ chuyên môn họp, nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá nhiều phương diện:

Cấu trúc, nội dung, yêu cầu phẩm chất, năng lực, các mức độ nhân thức… trong đề thi. Tổ chức cho học sinh làm bài thi minh họa, đánh giá mức độ hoàn thành, chất lượng, năng lực, thái độ trong việc thực hiện yêu cầu của đề. Từ đó có chỉ đạo cần thiết trong xây dựng chiến lược, mục tiêu, định hướng phương pháp, phân công nhân sự triển khai… để hoàn thành tiêu chí, yêu cầu của kỳ thi.

Với giáo viên, sau khi có đề minh họa, thầy cô lập kế hoạch dạy học theo giai đoạn: Dạy học kiến thức nền; dạy - ôn theo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức nền, khai thác sâu các đơn vị bài học trọng tâm; tiến hành kiểm tra, đánh giá theo chu kỳ (có phản hồi tích cực với học sinh, phụ huynh) để cải tiến phương pháp, cách thức dạy - học trong các giai đoạn tiếp theo.

Sau khi làm bài thi minh họa và quá trình dạy, ôn tập, giáo viên nhận diện, phân hóa học sinh theo trình độ năng lực, phẩm chất, khả năng và mức độ đáp ứng yêu cầu của đề thi. Từ đây, thầy cô có chiến lược, kỹ thuật giúp học sinh phát huy điểm mạnh, bổ trợ những điểm cần cải thiện.

Cô Hà lưu ý thêm, căn cứ vào đề thi minh họa, giáo viên triển khai xây dựng bộ đề thi theo các giai đoạn, bảo đảm bám sát cấu trúc, yêu cầu cần đạt về mức độ nhận thức của đề minh họa.

Bên cạnh đó, giáo viên cần mở rộng phạm vi đề tài, coi khung chương trình và mục tiêu cần đạt của chương trình là cơ sở cho hoạt động dạy - học - kiểm tra; tránh coi đề minh họa là kim chỉ nam, thước đo cho việc dạy, học, kiểm tra. Điều này khiến việc dạy và học trở nên dập khuôn, máy móc, mất tính chủ động, sáng tạo, học sinh khó thích ứng với các kỳ thi trong tương lai; làm sai lệnh quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Tại họp báo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Nguyên tắc học sinh phải học đến lớp 12 mới công bố đề thi minh họa. Tuy nhiên, năm 2025 là kỳ thi đầu tiên của lứa học sinh có 3 năm học THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Do đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định ngay sau khi thử nghiệm định dạng và cấu trúc đề thi sẽ công bố minh họa định dạng và cấu trúc, mô phỏng theo hướng cấu trúc đề thi 2025. Chất liệu, nội dung có thể sử dụng của lớp 10, lớp 11. Nhìn vào minh họa đó, chúng ta biết cách thức định dạng, cấu trúc mới của đề thi như thế nào, năng lực nào cần quan tâm và hàm lượng khoảng bao nhiêu. Dự kiến định dạng, cấu trúc minh họa trên sẽ được công bố trong quý IV/2023.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/de-minh-hoa-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-khong-phai-kim-chi-nam-day-hoc-post663043.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/de-minh-hoa-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-khong-phai-kim-chi-nam-day-hoc-post663043.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Không phải kim chỉ nam dạy - học