Cụ thể, ở khối Tiểu học, các bộ môn thiếu sách giáo khoa là Tự nhiên xã hội lớp 1, 2, 3, Tiếng Anh lớp 3, Đạo đức lớp 1, 2, 3, Hoạt động trải nghiệm lớp 1, 2, 3. Khối lượng học sinh khiếm thị thiếu sách là 23 em (khối 1: 6 học sinh, khối 2: 8 học sinh, khối 3: 9 học sinh). Số cuốn sách giáo khoa chữ nổi còn thiếu là 256 cuốn.
Khối THCS, các bộ môn thiếu sách giáo khoa là: Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ lớp 6; Toán tập 2, Giáo dục công dân, Lịch sử và địa lý, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Công nghệ lớp 7. Tổng số có 28 học sinh khiếm thị thiếu sách, trong đó khối 6 có 14 học sinh; khối 7 có 14 học sinh. Số sách giáo khoa chữ nổi còn thiếu là 630 cuốn.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ: Để bảo đảm thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, sách giáo khoa đủ là vô cùng cần thiết. Từ chương trình, sách giáo khoa in, phải chuyển đổi sang sách chữ nổi một cách bài bản.
Dù trường được in sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh, tuy nhiên, kinh phí phân bổ về trường chưa đáp ứng nhu cầu, công tác xã hội hóa nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, trường không được cấp kinh phí mua giấy in nhiệt, giấy in chữ nổi in sách giáo khoa mới cho học sinh khiếm thị.
Theo đại diện nhà trường, 1 cuốn sách in thường chuyển sang in chữ nổi sẽ thành 6 - 8 tập, giấy in chữ nổi và in nhiệt đều có kinh phí cao. Hiện nay 1 bộ sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị lớp 1 có giá khoảng hơn 14 triệu đồng, bộ sách lớp 6 khoảng 18 triệu đồng.
Chương trình GDPT 2018 cơ bản diễn ra thuận lợi. |
Bên cạnh đó, các bộ sách mẫu và chế bản phát hành chậm, các đơn vị chuyển đổi không kịp thời gian; nhà trường không có chế bản đầy đủ của cả 3 bộ sách để tự thực hiện công tác in sách giáo khoa.
Hiện nay, Chính phủ chưa có quy định cấp kinh phí cấp sách giáo khoa miễn phí cho học sinh khiếm thị, nên không đủ căn cứ để cấp tiền in sách chữ nổi. Do đó, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có nghị định quy định về kinh phí và đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khuyết tật.
Bên cạnh đó, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đề xuất Chính phủ có văn bản chỉ đạo về chế độ, chính sách cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật tại các quận/huyện, tạo thuận lợi cho công tác đưa trẻ khuyết tật về học hòa nhập tại địa phương, nhằm giảm tải số học sinh khuyết tật tại trường.
Đề nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp trường học tiến tới đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng thêm hệ thống phòng học (khoảng 10 phòng), phòng chức năng còn thiếu, đáp ứng nhu cầu mở rộng trường lớp; xây mới khối lớp học chức năng, cải tạo khối lớp học xuống cấp.
Trong các ngày 9 và 10/3/2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/QH17/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã làm việc với một số trường học trên địa bàn Hà Nội, trong đó có Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực khắc phục khó khăn của nhà trường trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018, ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất tại cuộc làm việc, đặc biệt là chính sách liên quan đến giáo dục chuyên biệt, về sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị, về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn người chăm sóc giáo dục chuyên biệt.