Để 'tâm vững' sau mỗi kỳ thi

Đức Trí (Thực hiện) | 01/07/2022, 14:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Sau mỗi kỳ thi quan trọng, xã hội chứng kiến không ít chuyện đáng thương với học trò khi phải chịu áp lực về điểm số, sự kỳ vọng của phụ huynh, thầy cô và bản thân. TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm để đồng hành cùng các em vượt qua giai đoạn nhiều thử thách này.

- Về phía học sinh cần xác định rằng, điểm thi chỉ phản ánh kết quả của quá trình học tập. Nếu điểm số tốt, hãy tiếp tục phát huy. Còn ngược lại, cần rút ra bài học kinh nghiệm, thay đổi chiến lược học tập, tìm hiểu những phương pháp học tập mới, lên kế hoạch hành động, hướng đi để có kết quả tốt đẹp hơn trong trương lai.

Cần nhớ rằng, kết quả hiện tại phản ánh những gì mình đã làm trong quá khứ; hành động hôm nay sẽ tạo ra kết quả trong tương lai. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ mà chỉ có thể tập trung cho hiện tại để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn.

Hãy tìm hiểu về những người thành công trong các lĩnh vực kinh doanh, nghệ thuật, phát minh, sáng tạo... Họ thường có điểm chung gì? Hầu hết đều thất bại, ở một mức độ khá nặng nề, trước khi chạm đến thành công.

Gặt hái thành công mà không gặp rủi ro hay nguy cơ thất bại là điều bất khả thi. Các em cứ vững tin với mục tiêu đã đề ra, dù biết đôi ba lần không thể đạt được kế hoạch đề ra. Bởi thất bại là nguyên liệu, cú hích để chúng ta xây dựng nền tảng cho thành công.

Buồn rầu, ủy mị cũng không thay đổi được kết quả thi mà nó còn gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm làm chúng ta có thể mất đi cả tương lai…

- Còn các bậc cha mẹ phải ứng xử ra sao trước, trong và sau mỗi kỳ thi?

- Các bậc phụ huynh, hơn lúc nào hết cần quan tâm, gần gũi và động viên trẻ nhiều hơn thay vì chì chiết, mắng mỏ. Hiện ở nhiều nước phương Tây, người ta đã tránh dùng từ “failure” (thất bại, trượt) mà thay bằng cụm từ “delayed success” (thành công bị trì hoãn) để không làm các bạn trẻ nhụt chí, nản lòng trong việc học.

Cha mẹ cũng nên dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, yêu thương để các em có đủ tự tin bước tiếp. Cha mẹ buồn một thì trẻ buồn rầu hụt hẫng mười, vì vậy những lúc này rất cần vòng tay yêu thương hơn những lời quát mắng, chỉ trích.

Không vào được trường yêu thích không có nghĩa tương lai đóng chặt cửa mà cha mẹ cần hiểu rằng môi trường học tập chỉ là một trong các yếu tố giúp mỗi người đi đến thành công. Thi được vào trường nào đó không phải là đích đến, chỉ là một trạm dừng trên hành trình này.

Để đi hết hành trình thành công không chỉ cần kiến thức mà còn kỹ năng, thái độ sống tích cực, đúng đắn. Nên cùng trẻ rút ra bài học, trang bị thêm kỹ năng học tập mới, rèn luyện các thói quen và nhân cách tốt, tin rằng trẻ hoàn toàn vững tin bước tiếp.

Điểm tiếp theo phụ huynh cần lưu ý, trong bất kỳ tình huống nào đều xác định, chúng ta cần con khỏe mạnh, hạnh phúc hơn điểm số. Sau mỗi kỳ thi, cha mẹ coi đây là một dịp để gắn kết yêu thương, gần gũi, cùng trẻ tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện; cùng chơi thể thao, tham gia khóa học phát triển bản thân hay đơn giản là chuyến du lịch, dã ngoại... để chuyển năng lượng, suy nghĩ sang hướng tốt đẹp hơn.

- Xin cảm ơn TS!

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/de-tam-vung-sau-moi-ky-thi-post599149.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/de-tam-vung-sau-moi-ky-thi-post599149.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để 'tâm vững' sau mỗi kỳ thi