Với môn Giáo dục công dân, thầy Đoàn Văn Phong, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, Bến Tre đánh giá: Đề tham khảo rõ ràng, tập trung chủ yếu chương trình lớp 12 và có một phần nội dung lớp 11. Đề phù hợp với năng lực học sinh. Câu hỏi 105 mang tính tư duy cao, theo hình thức mới. Câu hỏi tình huống có nhiều nội dung, mang tính chất phân hoá cao.
Cô Lê Thị Thanh Bình, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cũng đánh giá cao đề tham khảo môn Giáo dục công dân bởi ra theo hướng mới, không trùng lặp các câu hỏi đã ra ở các năm trước.
Độ khó của câu hỏi có phần cao hơn, yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức, đồng thời có sự tư duy mới lựa chọn được đáp án đúng.
2 câu trong đề có dạng câu hỏi hoàn toàn mới là câu 105 và câu 119. Ở câu 105, yêu cầu học sinh phải nắm vững đơn vị kiến thức rộng hơn so với những câu hỏi khác. Ở câu 119 (câu hỏi vận dụng cao), yêu cầu các em có sự chuẩn xác từng ý, phải đọc đề thật kỹ; không có tư duy loại suy như những câu hỏi vận dụng cao khác.
Cũng nhận định về đề tham khảo môn Giáo dục công dân, cô Dương Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) cho biết: Đề cơ bản giữ ổn định như năm trước về mặt cấu trúc đề, tỷ lệ, mức độ nhận thức (50% câu hỏi nhận biết, 25% câu hỏi thông hiểu, 15% câu hỏi vận dụng và 10% câu hỏi vận dụng cao).
Đề đi sâu vào các vấn đề trọng tâm và không ra vào phần tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Về phạm vi kiến thức, kiến thức lớp 11 trong đề tập trung toàn bộ của học kỳ 1 lớp 11 (bài 1, 2, 3, 5), gồm 2 câu thông hiểu (câu 101, câu 105) và 2 câu nhận biết (câu 91, 100); mỗi bài chỉ ra 1 câu. Riêng câu thông hiểu 105 là câu hỏi ra theo dạng có nhiều nhận định đúng: có 3 nhận định đúng là nhận định a, c, d.
Lớp 12, kiến thức trong đề phủ quát cả 9 bài. Tỷ lệ các câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm 70%, vận dụng, vận dụng cao chiếm 30%.
Ma trận đề tham khảo môn Giáo dục công dân năm 2024 như sau:
Lớp | NB | TH | VD | VDC | Tổng |
Bài 1: Pháp luật và đời sống | 1 | 1 | 2 | ||
Bài 2: Thực hiện pháp luật | 3 | 2 | 1 | 6 | |
Bài 3: Công dân bình đẳng trước PL | 1 | 1 | 2 | ||
Bài 4: Một số lĩnh vực đời sống xã hội | 3 | 1 | 4 | ||
Bài 5: Bình đẳng các dân tộc | 1 | 1 | 1 | 3 | |
Bài 6: Các quyền tự do cơ bản | 3 | 2 | 1 | 1 | 7 |
Bài 7: Các quyền dân chủ | 3 | 2 | 1 | 1 | 7 |
Bài 8: Pháp luật với sự Phát triển CD | 2 | 1 | 1 | 4 | |
Bài 9: PL với sự phát triển đất nước | 1 | 1 | |||
Lớp 11 | |||||
Bài 1: Sản xuất CCVC | 1 | 1 | |||
Bài 2: Hàng hóa… | 1 | 1 | |||
Bài 3: Quy luật giá trị | 1 | 1 | |||
Bài 5: Cung cầu | 1 | 1 | |||
Số câu | |||||
Tỷ lệ | 50% | 25% | 15% | 10% | 100% |
Nói về những điểm mới của đề minh họa năm 2024 môn Giáo dục công dân, cô Dương Thị Hằng cho rằng: Đề năm nay có độ khó hơn, nhiễu hơn so với đề các năm trước đặc biệt ở phần thông hiểu. Có 2 câu hỏi dạng mới là câu 105 và câu 119. Câu 105 mức độ thông hiểu, thuộc bài 2 và là câu hỏi có nhiều định đúng (3 nhận định đúng). Câu 119 là câu vận dụng cao thuộc bài 6, đưa ra 5 nhận định để học sinh lựa chọn trong đó có 3 nhận định đúng.
“Nhìn chung, đề minh họa vẫn giữ ổn định cấu trúc so với các năm trước về các mức độ nhận thức; tuy nhiên mức độ khó được nâng lên ở các phương án nhiễu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức để không bị sai ở phần câu hỏi thông hiểu, đồng thời cũng đã cập nhật dạng câu hỏi mới như Bộ GD&ĐT công bố”, cô Dương Thị Hằng lưu ý.