Đề xuất 5 chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

07/02/2023, 08:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp đề xuất 5 chính sách nổi bật, đó là: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức; Thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ phục vụ phát triển; Huy động nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Mở rộng đối tượng, hoàn...

Đề xuất 5 chính sách cốt lõi thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh Tạp chí Công nghiệp quốc phòng

Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng

Chia sẻ trên Tạp chí Công nghiệp quốc phòng, Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết, với vai trò đặc biệt quan trọng, ngành công nghiệp quốc phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng và phát triển.

Những năm gần đây, các nhà máy trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng được đầu tư nhiều dây chuyền, thiết bị hiện đại, tự động hóa sản xuất đạt hiệu quả thiết thực, sản xuất được nhiều sản phẩm mới, chất lượng ổn định, có độ tin cậy cao, mang lại niềm tin cho người sử dụng; đồng thời, nâng cao năng suất, giúp giảm lao động trực tiếp, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

Bên cạnh đó, với dây chuyền, thiết bị được đầu tư, các đơn vị đã từng bước đa dạng hóa chủng loại, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm quốc phòng và kinh tế; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là cơ sở để thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành trong doanh nghiệp.

Theo Thiếu tướng Lương Thanh Chương: Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.

Quán triệt các nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu đến năm 2030.

Các doanh nghiệp trong Tổng cục cũng đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh với các chỉ tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; chủ động áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, điều chỉnh quy trình công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động, đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, hợp tác với các tập đoàn lớn, như: Samsung (Hàn Quốc), Honda, Toyota (Nhật Bản), Damen (Hà Lan), IKEA (Thụy Điển)... sản xuất các sản phẩm kinh tế, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ đó, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh, tỷ trọng doanh thu hàng kinh tế hiện chiếm hơn 53% tổng doanh thu.

Nhiều sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu, như: đóng tàu; hóa chất, thuốc nổ công nghiệp, pháo hoa; cơ khí chính xác; sản phẩm cao su, cáp điện, quạt điện... Qua đó, góp phần giữ gìn đội ngũ, có tích lũy để tái đầu tư mở rộng sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội.

"Luật hóa" một số chính sách đặc thù phát triển công nghiệp quốc phòng

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo", trong thời gian tớiTổng cục Công nghiệp quốc phòng tập trung tổ chức tốt một số nội dung: Nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Khẩn trương tổ chức thực hiện Chương trình hành động sau khi được Chính phủ ban hành và xây dựng Kế hoạch của Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Nghị quyết, bảo đảm chi tiết, cụ thể, khả thi theo nhóm dự án, đề tài, sản phẩm.

Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp; các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện; trong đó, "luật hóa" một số chính sách đặc thù về huy động nguồn lực tài chính, khoa học - công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... tham gia phát triển công nghiệp quốc phòng.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ về thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là các loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại, chiến lược; tiến hành sắp xếp lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả. Tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng.

Chia sẻ về sự cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp,Thiếu tướng Lương Thanh Chương nêu rõ:Vấn đề này xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn.

Qua tổng kết việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 và kết quả xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng chưa được thể chế hóa; một số nội dung chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan về quốc phòng - an ninh...

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập; đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng như các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Tuy vậy, còn một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng nội dung. Cụ thể là, hồ sơ được xây dựng trên cơ sở hợp nhất 3 hồ sơ luật chuyên ngành: Công nghiệp quốc phòng, Công nghiệp an ninh và Động viên công nghiệp.

Do nhiều điểm khác biệt về quy mô ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, năng lực công nghệ, sản phẩm mục tiêu... nên đặt ra yêu cầu rất cao trong xây dựng cơ chế, chính sách và kỹ thuật lập pháp, vừa phảibảođảm sự hòa quyện, vừa phải bảo đảm tính đặc thù của mỗi ngành.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ, cùng nghiên cứu những vấn đề chung và vấn đề riêng của từng ngành để đưa vào dự thảo Luật. Đến nay, đã thống nhất được các nội dung của dự án Luật, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trình Thường trực Chính phủ thông qua và triển khai các bước tiếp theo trước khi trình Quốc hội.

5 chính sách cốt lõi để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Theo Thiếu tướng Lương Thanh Chương:Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng có nêu rõ.Đó là định hướng quan trọng để xây dựng các nội dung, chính sách của dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp.

Dự thảo Luật gồm những vấn đề chính như: Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Công nghiệp quốc phòng, an ninh là ngành đặc thù, phải được chăm lo xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển.

Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao; trên cơ sở tự lực, tự cường, kết hợp với chủ động hội nhập quốc tế, trong đó nội lực là yếu tố quyết định và thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong số các chính sách được đề cập tại dự thảo Luật, có 5 chính sách nổi bật, đó là: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức; Thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ phục vụ phát triển; Huy động nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp.

Thiếu tướng Lương Thanh Chương nhấn mạnh, đây là những nội dung cốt lõi nhằm bảo đảm mục tiêu: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực dân sinh cho phát triển; xây dựng hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh tinh, gọn, mạnh, hiệu quả.

Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở động viên công nghiệp ngày càng lớn mạnh cả về quy mô và chiều sâu công nghệ; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo hoạt động khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm.

Và một mục tiêu hết sức quan trọng là nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất 5 chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh