Lựa chọn những hành vi điển hình nhất để "nghiêm cấm"
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12), đại biểu Hoa cho rằng, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai là không được phép. Tuy nhiên, việc liệt kê tất cả các hành vi bị nghiêm cấm vào trong luật là không khả thi.
"Vì vậy, Luật cần lựa chọn những hành vi điển hình nhất, dễ xảy ra sai phạm nhất để đưa vào điều này để có tính chất răn đe, phòng ngừa chung, làm cơ sở cho việc quy định chi tiết tại các văn bản pháp luật có liên quan để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, kỷ luật, hình sự”, bà Hoa cho hay.
Theo đại biểu, những hành vi bị coi là tội phạm vi phạm quy định về đất đai trong Bộ luật Hình sự, thông thường phải được thể hiện trong điều cấm này như hành vi lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với quy định của pháp luật; (Điều 228 – Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai); hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật (Điều 229 - Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai).
Về cơ bản các hành vi nêu trên đã được thể hiện trong điều cấm này. Tuy nhiên, theo bà Hoa, khoản 1, điều 12 của dự thảo mới chỉ quy định hành vi bị cấm của cơ quan quản lý Nhà nước mà không quy định đối với chủ thể là cá nhân.
Trong khi đó, tại 2 điều của Bộ luật Hình sự nêu trên chỉ xử lý hình sự đối với cá nhân mà không xử lý hình sự đối với pháp nhân. Đặc biệt, điều 229 Bộ luật Hình sự chỉ điều chỉnh chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn.
“Do đó, bà Hoa đề nghị bổ sung vào mũ của khoản 1, điều 12 cụm từ “người có chức vụ quyền hạn” và được sửa thành: “Các hành vi của cơ quan quản lý nhà nước, người có chức vụ quyền hạn bao gồm:…”.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Nam Định cũng đề nghị rà soát những nội dung không rõ, không có tính khả thi, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện như điểm l, khoản 1 Điều 12 quy định: “nghiêm cấm xác định giá đất cụ thể không đúng thời hạn, không đúng phương pháp theo quy định”.
Trong khi đó, điều 160 - Giá đất cụ thể thì không quy định bất cứ một loại thời hạn nào và khoản 4 điều 158 về phương pháp định giá đất đưa ra 4 phương pháp; không quy định rõ trường hợp nào áp dụng phương pháp nào hoặc ưu tiên áp dụng phương pháp nào, mỗi phương pháp có thể đưa ra kết quả khác nhau và dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau.
“Với những quy định cấm này có thể đẩy những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vào những rủi ro về mặt pháp lý sau này. Do đó, tôi đề nghị rà soát thật kỹ nội dung của điều này”, bà Hoa cho hay.
Giải trình, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, với bảng giá đất, quá trình xây dựng đầu tiên là khó khăn nhất. Tuỳ theo trường hợp cụ thể, UBND cấp tỉnh xác định lựa chọn theo phương pháp nào để đảm bảo không tiêu cực, phòng chống tham nhũng và sát nhất với thị trường.
“Chúng ta sẽ ưu tiên đấu giá đất để tăng nguồn thu cho ngân sách triệt để. Đấu giá đất phải là đất sạch. Nhà nước đứng ra đấu giá đất theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho HĐND tỉnh quyết định đó là những dự án trọng điểm, cần thiết của địa phương”, ông Khánh nói.