Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng phương án này sẽ không được nhiều người thống nhất vì có nhiều điểm không lợi. Mái che với khung sắt, lợp tôn có thể che nắng nhưng nóng, bên dưới cũng không thoáng gió. Ngoài ra, còn phương tiện đi lại, xe giao hàng ra vào nên tính toán chiều cao cũng phức tạp.
"Mái che cũng mau xuống cấp, rồi kinh phí bảo trì, gió mạnh hư hỏng lại nhếch nhác. Ở Singapore cũng làm mái che nhưng họ làm trên đường đi bộ vào metro cho khách bộ hành. Còn ta làm trên vỉa hè thì không thuyết phục. Mái tôn trên vỉa hè lại thêm kiến trúc cứng nhắc" – TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Ngoài ra, làm mái che vỉa hè để buôn bán, kinh doanh cho tốt thì vô hình trung lại chấp nhận phương án kinh doanh trên vỉa hè, cũng gây mâu thuẫn.
Từ đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng có thể ngay lập tức trồng cây xanh cao từ 2-3 mét để sớm có bóng mát. "Cây xanh vừa tạo bóng mát, vừa lọc không khí, hút bụi. Hiện nay, các chung cư cũng trồng cây xanh lớn để tạo bóng mát. Trồng cây xanh là phương án lâu bền hơn, đa năng hơn vì vậy nên trồng cây xanh" – TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.
Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi, để tạo bóng mát, an toàn cho người đi bộ, du khách; tạo điều kiện kinh doanh cho các dãy nhà và cửa hàng. Đồng thời, mái che cũng giúp kết nối được về mặt kiến trúc, gắn kết mặt đứng kiến trúc của dãy nhà phố, đồng bộ cách bố trí các biển quảng cáo về kích thước cũng như màu sắc tạo thành một thể thống nhất với hệ thống mái che chạy xuyên suốt trục đường.
Mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới; kích thước mái che vươn ra 4 m. Kinh phí ước tính sơ bộ 20-30 tỉ đồng, bao gồm kinh phí vật tư, nhân công, thi công…