Đề xuất mỗi người chỉ được công nhận chuyển đổi giới tính 1 lần

12/05/2023, 15:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng giao cho cơ quan quản lý hộ tịch công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính là không đúng với thẩm quyền, chuyên môn của cơ quan hộ tịch

Ngày 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính gửi UBTVQH xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 - 2024.

Đề xuất mỗi người chỉ được công nhận chuyển đổi giới tính 1 lần - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật đã đổi tên Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính. Hồ sơ cũng làm rõ hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; điều chỉnh tương đối nhiều về điều kiện, quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính.

  • Băn khoăn về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

Trình bày tờ trình tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu 4 nhóm chính sách chính, gồm: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực và thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Theo đó, liên quan tới điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời. Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Theo báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao đại biểu Quốc hội đã tích cực, tâm huyết, với tinh thần cầu thị và ý thức trách nhiệm cao, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và các cơ quan để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Trong báo cáo đánh giá tác động, đại biểu Nguyễn Anh Trí lựa chọn giải pháp công nhận giới tính mới áp dụng đối với các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật để chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, ngoài phẫu thuật, chuyển đổi giới tính còn có thể được thực hiện bằng việc sử dụng hoóc-môn hoặc có mức độ can thiệp y học khác. Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung giải pháp phù hợp với hình thức, mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Đề xuất mỗi người chỉ được công nhận chuyển đổi giới tính 1 lần - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết Chính phủ ủng hộ đại biểu Quốc hội trình đề nghị xây dựng luật này. Theo bà Oanh, việc nghiên cứu, đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là cần thiết, góp phần thể chế hóa quy định của Hiến Pháp, các quy định về quyền con người đã được ghi nhận tại Bộ Luật dân sự 2015.

Đồng thời, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm người đồng tính, song tính, chuyển đổi giới tính. Chính phủ đã thống nhất quan điểm về sự cần thiết phải xây dựng luật này.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, việc đại biểu Quốc hội thực hiện quyền đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh đã được pháp luật quy định. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thứ trưởng cho biết Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với đại biểu Nguyễn Anh Trí trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Về hồ sơ, Thứ trưởng cho biết cơ bản đã đảm bảo yêu cầu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh.

Về một số nội dung cụ thể, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị đại biểu Nguyễn Anh Trí thể hiện rõ hơn mức độ độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, bởi vấn đề này ảnh hưởng đến xác định đến quyền, nghĩa vụ cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính và các hệ quả pháp lý sau đó.

  • Đại biểu Quốc hội tự đề xuất dự luật về công nhận quyền chuyển giới tính của công dân
  • Bộ Y tế: Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là bệnh
  • Người chuyển giới đánh cược mạng sống để là chính mình

Cũng liên quan đến can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc tiêu chuẩn chặt chẽ của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh khi can thiệp y học trong phẫu thuật chuyển đổi giới tính, tránh rủi ro trong quá trình phẫu thuật.

Đối với thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết Bộ Tư pháp đã nhiều lần có ý kiến rất rõ, đề nghị xem xét lại việc cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch cấp huyện công nhận giới tính của người đã chuyển đổi giới tính.

Bởi theo bà Oanh, cơ quan quản lý hộ tịch chỉ có thể cải chính hộ tịch theo pháp luật hộ tịch sau khi cá nhân đã được công nhận về chuyển đổi giới tính. "Việc một cá nhân chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến hộ tịch của họ mà còn ảnh hưởng đến nhiều giấy tờ tùy thân khác như căn cước công dân, hộ chiếu, các thông tin trên văn bằng chứng chỉ, giấy phép lái xe, các giấy tờ về chứng minh tài sản..." - Thứ trưởng nói.

Do đó, Thứ trưởng Đăng Hoàng Oanh nhấn mạnh việc việc giao cho cơ quan hộ tịch công nhận giới tính của người đã chuyển đổi giới tính là không đúng với thẩm quyền, chuyên môn của cơ quan hộ tịch. Đáng nói, việc này sẽ không giải quyết được toàn diện về thay đổi thông tin trên các loại giấy tờ của người sau chuyển đổi giới tính.

Minh Chiến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất mỗi người chỉ được công nhận chuyển đổi giới tính 1 lần