ĐH Đà Nẵng đề xuất cơ chế cho trường đại học tự chủ khi không tăng học phí

Hà Nguyên | 17/02/2023, 06:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

ĐH Đà Nẵng đề xuất 2 phương án để tháo gỡ khó khăn cho các trường ĐH thực hiện tự chủ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 165 của Chính phủ.

Chiều 16/2, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm Trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã báo cáo với Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về chiến lược phát triển ĐH Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng như những thành tích trong công tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Không tăng học phí và "bài toán" tự chủ

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo.

Hiện nay, ĐH Đà Nẵng có một số trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc thực hiện cơ chế tự chủ, gồm Trường ĐH Kinh tế tự chủ chi thường xuyên và đầu tư; Trường ĐH Bách khoa và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh tự chủ chi thường xuyên.

Nghị quyết 165 ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm 2022-2023 tại khoản 2 quy định: “Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021".

Trong khi đó, ngày 27/1/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định số 399 về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2022-2025 cho Trường ĐH Bách khoa và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng. Các đơn vị này tự bảo đảm thu chi thường xuyên và không được giao dự toán chi thường xuyên từ năm 2022.

Nếu thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 165 và Nghị định số 81 nêu trên, mức thu học phí của các cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm chi thường xuyên không được tăng. Trong khi đó lại không được cấp ngân sách chi thường xuyên, vì vậy đã gây khó khăn về tài chính cho các đơn vị vừa mới thực hiện tự chủ.

ĐH Đà Nẵng đề xuất cơ chế cho trường đại học tự chủ khi không tăng học phí ảnh 1

Các đại biểu là cán bộ quản lý các đơn vị, trường đại học trực thuộc ĐH Đà Nẵng đã có nhiều trao đổi, thảo luận về một số nội dung có liên quan đến việc triển khai thực chính sách, pháp luật giáo dục mà Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội quan tâm.

ĐH Đà Nẵng đề xuất với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan để giúp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165 ngày 20/12/2022 của Chính phủ theo 1 trong 2 phương án.

Theo đó, tại điểm b, khoản 2 điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định học phí từ năm học 2022-2023: “Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tại điểm a khoản này tương ứng với từng khối ngành và từng năm học”. Để tạo điều kiện đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động, đề xuất được vận dụng quy định này cho mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với nhóm các cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm chi thường xuyên.

Trong trường hợp không được tăng học phí như đề xuất ở mục 1, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT tiếp tục cấp ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học tự bảm đảm chi thường xuyên theo quyết định số 399 của Bộ GD&ĐT như trước đây để đảm bảo nguồn lực cho các đơn vị hoạt động. Vì nếu bị cắt kinh phí chi thường xuyên mà không được tăng học phí thì trường tự chủ sẽ rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, khó thu hút được nhân tài.

Tính đặc thù của mô hình đại học 2 cấp

Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu đến từ các đơn vị, trường đại học trực thuộc ĐH Đà Nẵng về phân tầng đào tạo trong mô hình ĐH hai cấp; Việc mở các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội đồng thời phục vụ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước; Việc đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế vừa đáp ứng yêu cầu xu thế sáng tạo, hội nhập, vừa đảm bảo chất lượng, uy tín, học hiệu của Nhà trường; Một số nội dung về cơ chế tài chính, phân cấp tự chủ cao cho các trường ĐH thành viên nhưng vẫn đảm bảo có điều tiết phù hợp, tạo sự gắn kết, cộng hưởng để phát triển bền vững, quản lý, sử dụng hiệu quả đúng pháp luật về đất đai phục vụ nhu cầu GDĐT…

ĐH Đà Nẵng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục Đại học. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến tính đặc thù của mô hình đại học 2 cấp.

Trong mô hình đại học 2 cấp thì đại học vùng vừa là cấp trên, được phân cấp, ủy quyền thay mặt Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý các trường Đại học thành viên như vai trò của Bộ đối với các trường trực thuộc Bộ nhưng cũng vừa là đơn vị sự nghiệp do có các đơn vị trực thuộc. Vì vậy, cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trách nhiệm của giám đốc, Hội đồng đại học, Hội đồng trường trong mô hình đại học 2 cấp.

ĐH Đà Nẵng đề xuất với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội một số kiến nghị, mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục quan tâm, ủng hộ ĐH Đà Nẵng thực hiện chủ trương phát triển thành ĐH Quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW (ngày 03/11/2022) của Bộ Chính trị; quan tâm, ủng hộ và có ý kiến với các bộ, ngành liên quan về chủ trương thành lập Trường ĐH Việt-Anh, ĐHĐN trên cơ sở phát triển Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐH Đà Nẵng đề xuất cơ chế cho trường đại học tự chủ khi không tăng học phí